Trong một số cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình, nhiều thí sinh đã chọn nhạc ngoại để thể hiện phần thi của mình. Những ca khúc nước ngoài đã phần nào mang lại cho khán giả sự thích thú nhưng điều đáng chú ý là trong một số chương trình, các ca khúc nước ngoài có phần áp đảo ca khúc trong nước.

Khi thí sinh trình bày tác phẩm nước ngoài, không ít lần giám khảo và khán giả phải trầm trồ vì chất giọng của họ được phô diễn trọn vẹn. Nhưng sau đó, nếu ban giám khảo yêu cầu thí sinh đó hát thử vài đoạn trong một ca khúc tiếng Việt thì kết quả khá bất ngờ khi nhiều thí sinh tỏ ra “đuối” so với hát tiếng Anh, tiếng Hàn… Và cũng có người đã phải dừng cuộc chơi bởi phần thử thách này. Các ca sĩ trẻ, nay đã thành danh với nhạc Việt như: Uyên Linh khi hát “Take me to the river”, Hương Tràm với “I will always love you” của ca sĩ quá cố Whitney Houston, Hoàng Tôn với “See you again” cũng từng “gây sốt” cho khán giả.
Điều này gây một chút băn khoăn cho người nghe: Tại sao khi thể hiện bài hát bằng chính tiếng mẹ đẻ, những thí sinh tiềm năng đó lại không khai thác được hết thế mạnh từ giọng hát của mình? Phải chăng họ chỉ giỏi học theo các giọng ca nổi tiếng thế giới mà không nỗ lực sáng tạo chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình? Hay là bởi nhạc Việt đương đại không theo kịp nhu cầu đa dạng, đáp ứng những tiêu chí kỹ thuật cần thiết để các giọng ca Việt có thể bộc lộ hết khả năng của mình nhằm đạt được hiệu ứng cao nhất?
Trước đây, thế hệ nghệ sĩ gạo cội ở miền Bắc được đưa đi đào tạo tại các nước xã hội chủ nghĩa như NSND Lê Dung (Liên Xô), NSND Quý Dương (Hungaria), NSND Trần Hiếu (Bulgaria)… với kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao và khả năng phát âm ngoại ngữ chuẩn mực đã tạo nên một “thế hệ vàng” gắn liền với những ca khúc nước ngoài bất hủ như: Serenade (Lê Dung), Nước Nga – Tổ quốc tôi (Quý Dương), Hắc Hải của tôi (Trần Hiếu)… Ở miền Nam trước giải phóng, có ca sĩ Thanh Lan, Chánh Tín, Elvis Phương thường hát nhạc ngoại, trong đó chủ yếu là nhạc Pháp, Mỹ và có phần chuyển ngữ qua tiếng Việt. Những nhạc phẩm chuyển ngữ như: “Chuyện tình” (Love Story), “Khi xưa ta bé” (Bang Bang), “Ôi giàn thiên lý đã xa” (Chèvrefeuille Que Tu Es Loin)… bản dịch tiếng Việt xuất sắc đã để lại những tình cảm yêu quý trong lòng người hâm mộ không kém giá trị bản gốc. Sau giải phóng, phong trào ca nhạc phòng trà nở rộ, các ca sĩ miền Nam lại có dịp thể hiện những ca khúc quốc tế vang bóng một thời bằng khả năng ngoại ngữ thuần thục như: Ngọc Bích, Sĩ Đan, Trang Kim Yến…
Thế hệ trẻ hôm nay được đào tạo tốt về ngoại ngữ. Họ có điều kiện để học hỏi và cập nhật xu hướng mới nhất của âm nhạc thế giới nên thường rất tự tin khi thể hiện những bài hát nước ngoài, kể cả những bản hit (ăn khách) đình đám đã được những giọng ca tên tuổi khẳng định… Ca sĩ Văn Mai Hương chia sẻ: “Hát nhạc ngoại rất khó, không chỉ phát âm phải chuẩn mà phải hiểu lời bài hát để cảm nhận”.
Phải chăng ca khúc Việt đã “đuổi không kịp” giọng hát Việt? Một bạn trẻ tâm sự trên mạng: “Tôi là một người trẻ thuộc thế hệ 9X. Tôi thấy nhạc Việt bây giờ đang xuống cấp. Tuy là người Việt nhưng tôi rất hiếm khi nghe các ca sĩ Việt Nam hát. Giới trẻ bây giờ đang thiếu những ca khúc Việt đi vào lòng người. Những ca từ trong các ca khúc xưa rất đẹp nhưng đã quá cũ so với xu hướng hiện nay. Các ca khúc trẻ do các ca sĩ trẻ, đặc biệt là các ca sĩ lứa tuổi thanh thiếu niên hát thì lời rất sáo rỗng, ý nghĩa không cao. Từ đó, giới trẻ phải tìm kiếm những ca khúc ngoại để nghe”. (Theo Tuổi trẻ)
Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng thí sinh chọn hát tiếng nước ngoài đơn giản vì hát tiếng Việt không dễ, phải vừa tròn vành rõ chữ, vừa tinh tế trong cách nhả chữ và biểu đạt tình cảm. Khi nghe hát tiếng Anh, tiếng Hàn, chúng ta nghe phần giai điệu âm nhạc là chính (và giai điệu dĩ nhiên đã hay rồi), còn phần lời, đa số người nghe không hiểu mấy… nên họ “nương tay” hơn trong phần xử lý ca từ.
Dù thế nào đi nữa, các giọng ca Việt vẫn nên chọn bài hát tiếng Việt bởi chính họ phải góp phần thúc đầy nền âm nhạc Việt phát triển theo kịp thế giới. Và để điều này thành công, cần có sự chung sức không chỉ của các nhà làm nghệ thuật mà còn chính từ sự ủng hộ của khán thính giả nước nhà.
VŨ THANH HOA
Thầy ráng tu nha thầy, đường tu còn xa vời vợi, Năm Cam thì vừa mới chầu ông bà ông vải được có mấy niên.
” Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá,
Lệ lòng mong cạn chốn am không
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng ”
(J.Leiba, 1912_1941)