Bụi xuân của Vân Đình Hùng

VTH – Nhà thơ Vân Đình Hùng vừa ra sách mới, đó là một tập thơ mà anh đã ấp ủ từ lâu. Vuthanhhoa.net xin giới thiệu bài cảm nhận của nhà thơ Vân Long về tập thơ mới “Bụi Xuân” của nhà thơ Vân Đình Hùng:

BỤI XUÂN

của Vân Đình Hùng

            Khi rời khỏi chiếc ghế biên tập thơ thời bao cấp, vào lúc trào lưu thơ Đổi Mới cùng với hiện tượng xuất bản thơ “bùng nổ”, tôi mới có được cái thú tìm hoa thơm cỏ lạ trong… thiên nhiên hoang dã. Tôi  phải xin lỗi các nhà xuất bản khi dùng từ này, khi mà người biên tập, người cấp giấy phép phần lớn chỉ yêu cầu nội dung tập thơ không “sai phạm” luật xuất bản, có nghĩa không phạm lỗi “chính trị” là được, hay dở gì do tác giả chịu. Còn các tác giả, có người thực sự tìm tòi những cách viết mới lạ, có người viết “chưa sạch nước cản” nhưng dựa vào tình trạng vàng thau lẫn lộn để cho rằng những câu tối nghĩa hoặc vô nghĩa lại là những ẩn dụ thơ… Trong môi trường ấy, tôi lại hay gặp một hai câu thơ làm xao động lòng người trong tập thơ của một tác giả không quen tên nào đó. Mới thấy: những câu thơ hay không phải là độc quyền của các nhà thơ thành danh, thông thường, những câu thơ hay thường được người đọc nhớ hơn là cả bài thơ.

Tác giả Vân Đình Hùng không phải lần đầu in thơ, lại từng là tác giả một số bài báo và truyện ngắn in trên mấy tờ báo có uy tín về biên tập. Nhưng tôi ấn tượng anh là người “xa cách” với thơ, không chỉ bởi vóc người anh như một… tảng đá, thẳng thắn có lúc như thô bạo, mà vì nghề nghiệp của anh (một kỹ sư Bách Khoa) chỉ quen tiếp xúc với sắt thép, bê tông. Lấy một ví dụ cho nhanh: Tôi từng được cùng anh xuống Hải Phòng, áp tải một tác phẩm bằng sắt thép của anh dài 25 mét, nặng  20 tấn.Vì không thể tháo lắp nên chỉ có thể nhờ chiếc xe tải siêu trường, siêu trọng chở vào ban đêm qua đường 5. Đó là một chiếc cần cẩu do một chủ tầu viễn dương đặt Công ty anh gia công. Thật là xa lạ với một chất liệu khác trong thơ anh:

Tước gió đan chiều đồng nội

Bụi xuân lấm tấm tìm về

                                 (Bụi xuân)

Hay:

Sóng vỗ đêm mất ngủ

Tóc mây gài trăng non

(Sóng ru)

Đôi câu thơ tinh tế, đẹp như một ảo ảnh, mơ hồ đến nỗi chỉ dám đọc bằng mắt. Đọc ra tiếng e ảo ảnh sẽ không còn!

Vân Đình Hùng che giấu một tâm hồn nhậy cảm với tình người và  ngoại cảnh bên trong vỏ bọc thô tháp của mình từ tính cách con người đến công việc. Tôi chỉ cắt nghĩa được mâu thuẫn này khi Vân Đình Hùng đi sâu vào một đam mê mới: ngành nhiếp ảnh, sau khi sùng mộ nghệ sĩ Quang Phùng, lang thang xe máy trên mọi nẻo đường Việt Bắc, Tây Bắc cùng với Trần Định, Ngô Dư… rồi chủ động đi con đường của mình với chất liệu riêng, đề tài riêng. Dường như ở ngành nghệ thuật này, anh không bị hạn chế gì khi được trang bị phương tiện kỹ thuật đầu bảng của thế giới!

            Cũng cần một ví dụ về sự đam mê này của anh: Tôi nhận được giấy mời dự cuộc tổng kết trại điêu khắc quốc tế ở Đồ Sơn vào 9 giờ sáng ngày hôm ấy. Do bận việc, không thể đến từ chiều hôm trước như lịch đón, hôm sau tôi tính đi ô tô khách về Hải Phòng rồi dùng xe ôm hay xe buýt đi tiếp Đồ Sơn. Đang ngại chuyển xe như vậy sẽ không kịp giờ khai mạc thì Vân Đình Hùng đề xuất “Em sẽ lai anh bằng xe máy, bảo đảm 9 giờ là có mặt ở Đồ Sơn!”

Và thế là với tốc độ bạt gió, bay cả khẩu trang không buồn nhặt, chỉ nghỉ giữa đường cho máy nguội bớt, là chúng tôi khi về đến thị trấn Đồ Sơn đã có thể ung dung giảm tốc không khác gì nhà văn – họa sĩ Đoàn Lê thư thả đạp xe xuất phát từ nhà riêng ở thị trấn Đồ Sơn… Hầu như rất hiếm các nhà nhiếp ảnh ở Hà Nội có được đầy đủ sê-ri ảnh tác phẩm của Trại điêu khắc quốc tế này năm ấy như Vân Đình Hùng!

            Rồi sau đó, chỉ vì muốn có tấm chân dung nhà văn Sao Mai, tác giả bài thơ Trưa quê anh yêu mến, Hùng sẵn sàng lại mời tôi cùng ngồi xe máy với anh rong ruổi qua Sơn Tây, qua bến phà Vôi… sang Việt Trì, ngủ và hàn huyên một đêm với NguyễnTham Thiện Kế, nghe Kế chỉ dẫn rồi phóng về phố Vàng huyện Thanh Sơn để đạt được mục đích ấy. Hiện Vân Đình Hùng có tới gần 300 chân dung các nhà văn nổi tiếng rồi và… sắp nổi tiếng (như anh giới thiệu).

Rồi anh tổ chức sinh nhật cho thi sĩ Hoàng Cầm bằng một đêm hát ca trù “tại gia”, nhóm ca trù “xịn” từ Hải Phòng được mời về. Rồi, nhân kỷ niệm cụ Dương Khuê, vị tổ bên ngoại của anh, tác giả những bài ca trù cổ điển nổi tiếng, có nhà thờ ngay tại Vân Đình quê anh, Hùng cũng tổ chức được một canh hát ca trù hoành tráng tại nhà thờ cụ.

            Một người yêu nghệ thuật… tổng hợp như vậy, chỉ có thể nói gọn: anh là người yêu cái Đẹp, bất kể nàng nghệ thuật ấy giấu mình dưới hình thức gì!

        Trở lại với thơ Vân Đình Hùng, đọc bài Đò thu, tôi nghĩ một nhà thơ đã thành danh cũng không dễ có được những câu thơ vừa thực vừa ảo, vừa là hiện tại vừa là sự chờ mong tri kỷ tự nghìn xưa qua một con đò, một bến sông thu như vậy:

Cuối thu  đỏ chuỗi lá bàng

Chuỗi ngày đông héo

xếp hàng trên tay

Mấy mươi thu vụt qua đây

Vết thu gió cuốn

chất đầy thuyền xưa

Sào nghiêng về phía cơn mưa

Nghìn năm một ngóng

Một chờ người sang.

Thực là chuỗi lá bàng khô trên bàn tay thi sĩ, ảo là những hình bóng kỷ niệm mấy mươi thu chỉ anh nhìn thấy mà anh gọi là vết thu. Có ai đó đã mỏi mắt ngóng trông, cắm sào đợi bến tự nghìn năm, mong một người tri âm, tri kỷ đến với mình! Ai đó có thể chỉ là một phác thảo của hoá công thách đố kẻ phàm trần cảm được những đường nét ẩn dụ thiên nhiên về cõi nhân sinh…

         Việc say mê tổ chức, ghi âm vào đĩa những canh hát ca trù của anh đã được nàng Thơ ban thưởng, mấy câu thơ của anh cũng mang âm hưởng rộn ràng nhịp phách quyện hồn thơ:

Dóc phách trúc tre hồn ngỏ cửa

Roi chầu tùng bách phách lơi then

 

Đánh thức thảo nguyên hồn không ngủ

Miên man đàn đáy khúc thơm sen

                                                            (Ả đào hai câu)

            Chút “gien” từ ngoại tổ Dương Khuê ám vào thơ anh những tiếng trúc tiếng tơ:

Khắc khoải phím tơ năm cung trao tặng

 Giọt âm thanh rơi vỡ nắng rơm vàng

Những tinh nhẹ, mơ hồ, mùi hương dịu dàng của cau của lúa, ai ngờ cũng tạo được sức mạnh thiêu đốt khi con người có Tình yêu:

Em lẳng lặng bước trắng thung mơ

Màu oải hương vút ngút ngàn trăng lẻ

Vẫn lúa vẫn cau vẫn mùi thơm nhẹ

Thiêu đốt nhau cho đến bao giờ!

                                                    (Đánh thức thảo nguyên)

Cuộc sống mỗi con người tới lúc nào đó, sẽ ngộ ra cái điều: Rồi cũng đến tầm ấy thôi/ Làm sao có thể thành mây/ Bay tới những miền chưa biết! Đó là cách diễn đạt của tôi ở bài Ngọn cây khi đã qua cái thời Nõn lá tủa ra quyết liệt.

Biết mình, biết người để không cần những ảo vọng để rồi thất vọng, để sống một cách thanh thản, minh triết như  nhiều bậc tiền nhân (hay đó cũng là một dạng ảo vọng?) Vân Đình Hùng cũng đã đến ngưỡng ấy, nhưng anh xác định ngay được ý nghĩa cuộc sống của anh ở giai đoạn anh gọi là Cờ tàn:

Ra ngõ mà trông mà ngóng bạn

Cuộc đời ý nghĩa bấy nhiêu thôi

Vào nhà tự rót rượu tràn cốc

Tàn cờ xe pháo có lên ngôi?   

Cờ tàn là cách gọi khiêm tốn của anh thôi, chứ bạn và rượu ở cấp độ tri âm tri kỷ thì vẫn là một mảng quan trọng, một góc hạnh phúc quan trọng của đời người. Chẳng thế về cuối đời, nhà thơ lão thành Trần Lê Văn trong bài thơ xuất thần của ông, vẫn thốt lên tiếng gọi tha thiết: Thơ dài lời dài vẫn bất lực/Sao làm cầu nối tôi với đời/Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi!    (Tiếng vọng)

Vân Đình Hùng thì khẳng định ngay về vị trí của tình bạn: Cuộc đời ý  nghĩa bấy nhiêu thôi! Và, có lẽ còn có chút tự tin nào đó, anh vẫn mở hé một chút xíu hy vọng: Tàn cờ xe pháo có lên ngôi? Ừ biết đâu! Ở một xã hội đang phát triển, những vận may không đóng cửa với ai bao giờ, với một người còn đương sức, còn đủ sức vác cây thánh giá của nghệ thuật ngang dọc khắp miền đất nước như anh!

Nhà thơ Vân Long

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu