Từ Nhà tang lễ Vietsopetro trở về, tôi nhận được điện thoại của nhạc sĩ Trương Minh: “Anh viết một bài về nhạc sĩ Hoàng Hà thì quý lắm. Anh và ông có một tình bạn riêng…”
Tôi không biết thưa với Trương Minh thế nào. Viết lúc này ư? Lòng tôi rất trống rỗng!
Tháng Chạp 1985, gia đình tôi và gia đình nhạc sĩ Hoàng Hà đều chuyển đến Vũng Tàu. Khi ấy, Vũng Tàu còn mang tên Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Cái thành phố chưa ra thành phố,toen hoen, bé bằng quả bưởi, ngỡ hú một tiếng trên cầu Cỏ May là Bến Đình nghe rõ. Bãi Sau khi ấy chỉ mướt dương và cát nỏ. Biển rất xanh và gió chan chan. Hoàng Hà nhìn thấy tôi trước. Ông nhảy xuống từ chiếc xe đạp cà khổ: “Hoàng Quý? Đúng không?”. Trời ạ! Sao anh ở đây? Tôi la lên. “Mình cùng gia đình vào cách đây mấy ngày, thế còn Hoàng Quý?”- ông nói vui mừng cùng nụ cười quyến rũ.
Ông ôm tôi thân thiết. Thì ra chúng tôi tới nơi đây cùng tháng, cùng năm.
Tôi nhớ không chính xác lắm, cơ hồ mùa thu 1979 hay 1980 gì đó, ông về Việt Trì thăm nhạc sĩ Phạm Khương. Ông rẽ vào Hội Văn học Nghệ thuật thăm các anh Nguyễn Chí Vượng, Hoàng Hữu, Nguyễn Hữu Nhàn, Trịnh Hùng Khanh và những người quen cũ. Tôi làm ở đó. Đi cùng ông là Hoàng Lương, người tiếp bước con đường âm nhạc của ông sau này. Tôi tiếp xúc và quen ông từ ấy. Không trò chuyện được nhiều, nhưng nét cười trong sáng và ánh nhìn lấp lánh đầy thân ái không thể quên được. Một người lịch lãm. Tiếng nói thanh, giản dị và dễ lây. Chúng tôi tiếp ông bằng trà đặc và sắn luộc. Những năm tháng hậu chiến, cả nước đều thiếu đói. Họa sĩ – Nhà thơ Hoàng Hữu áy náy: “ Mỗi món “sâm” truyền thống”. Ông cười tươi: “Sang hơn tớ, tớ chơi bo bo và bột mỳ mọt suốt”. Thế rồi chúng tôi đồng thanh hát “Ánh đèn sáng trên cầu Việt trì”. Ông hát rất to, vang lanh lảnh. Dứt bài, một người hét: “ Hát sai bét. Phải hát “bố mày chết trên cầu Việt trì” chứ!”. Hoàng Hà rất khoái. Ông bảo “Dân bản”hay hơn nguyên tác các ông ạ”. Thế mà đã ba mươi mấy năm. Ba mươi mấy năm là dài hay ngắn những khoảng khắc và kỷ niệm đời người?
Chưa đầy hai mùa việc, tôi xin rời báo Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Hay tin, ông tìm đến, hỏi: “Sao bỏ báo?”. Tôi ngượng: “Đói quá anh ạ. Mà em viết văn không ra văn báo không ra báo, anh Nam Bình phải sửa mới dùng được”. Ông cười cười: “Cũng phải”. Chợt ông trầm tư: “ Làm sao sống…” Tôi bảo: “Em đi làm thuê, nơi nào quý người, thuê gì làm nấy”. Ông thở dài, không nói gì thêm.
Bẵng đi bốn năm, mùa thu 1991 nhạc sĩ Hoàng Hà tìm vào khu tập thể Trương Công Định gặp tôi. Ông trách: “Làm những đâu mà mất hút. Hôm qua anh Lê Quốc Minh bảo Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tái bản Truyện cổ Mường Châu Phong của Quý. Anh Minh sẽ trực tiếp trông coi việc in và phát hành. Mình sẽ vẽ bìa, nhé”. Thế là anh vẽ bìa và trình bày tập truyện của tôi. Màu nền bìa đỏ, trầm. Anh đặt minh họa của họa sĩ Trần Đình Ninh rất khéo. Anh nói: “Trần Đình Ninh rất phớt – ăng – lê và rất tài. Hồi về lại Vĩnh Phú có gặp. Ninh rất quý cậu thì phải. Tớ chưa thấy ai vẽ nhiều minh họa cho một tập truyện như Ninh vẽ cho cậu. Đặt minh họa chính ở ngoài bìa và các minh họa khoát hoạt trong từng truyện rất thú”. Ngó lá vàng rơi trước thềm, ông thờ dài, rất nhẹ:” Đời người như lá… Còn làm gì cho nhau được vui thì cố làm”.
Còn làm gì được cho nhau vui thì cố làm. Bây giờ mấy người như ông nhỉ? Nhớ một lần ông hóm hỉnh: “Xem ra nhân quần nêm chật, tô mặt, hích chen, nhẫn tâm… mà người thì mỗi năm mỗi khuyết “. Ông bảo ông thích mấy câu thơ tôi viết: “ Tôi đã đến, đã gieo trồng, vun quén/ trên thửa ruộng tôi, trên thửa ruộng đời/ Tôi đã nhìn đau đáu/ Thấy thửa ruộng kia tơi tả vết chân người”.
Đầu thu 1996, tôi e dè tặng ông tập thơ con cả “Giấc phì nhiêu”do nhà thơ Vân Long mang về Hà Nội bàn với Lữ Huy Nguyên , Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, đỡ đầu. Hoàng Hà mừng rỡ: “Anh đừng bỏ văn chương nhé. Hoàng Hữu có lần nói với tôi, Quý nó viết truyện cổ mà như nó làm thơ vậy”. Tôi sẽ đọc, đọc kỹ. Và ông đọc rất kỹ. Thi sĩ lão thành Ngô Quân Miện tới Vũng Tàu. Tôi đưa lão thi sĩ tới thăm ông. Chứng kiến hai bậc lão bá trò chuyện đằm thắm với lời ăn tiếng nói khiêm cung, lịch lãm, tôi hiểu ra cái mai mốt của tôi, của lớp hậu sinh chưa khả úy. Sau vài tuần trà, hai ông đem thơ tôi ra luận bàn. Tôi phát hoảng. Vô danh tiểu tử như tôi đáng gì nói tới, huống hồ chữ nghĩa lấm luốc của tôi. Rồi bài viết thận trọng nhưng hồ hởi cũa thi sĩ họ Ngô gửi rất sớm từ Hà Nội. Tôi chợt hiểu sự yêu mến của hai ông. Và tôi cũng hiểu con đường văn chương sẽ nhiều buồn hơn vui và bất trắc.
Cuối năm 1997, sau chuyến đi Côn Đảo trở về, tôi lên thăm Hoàng Hà. Ông chăm chú nghe tôi kể chuyện quần đảo xa vọi ấy. Hoàng Hà hỏi tôi có tới Lò Vôi? Có vào Chuồng Cọp, Chuồng Bò? Có thắp hương ở Hàng Dương, ở mộ chị Sáu và các tiên liệt? Ông trầm tư, phải viết một cái gì về Côn Đảo anh ạ. Một cái ca khúc thì nhỏ bé quá, mà vùng linh thiêng ấy chúng ta đều mắc nợ. Nó là nhà ngục Basti. Không, nó còn hơn thế, đau đớn hơn nhiều lần thế! Rồi ông chợt vui. Tặng Quý cái này nhé. Rút trên chồng giấy, ông xúc động đưa cho tôi một nhạc phẩm mới. “Mang theo mùa đông”. Mình chọn bài này của Quý. Ôm cây ghi ta cũ kĩ, ông bắt đầu hát. Mùa đông tràn đến đâu đó, bứt dứt, sương khói, mênh mang. Ông gắng diễn tả đoạn bắc cầu viết cho đàn violon. Tôi bồn chồn thật khó tả. Mang theo mùa đông. Cả tôi, cả ông đều mang theo chút se thắt giang hồ. Ca khúc đặc hữu giữa chúng tôi đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ sau đó không lâu. Ông và bà tìm tôi chia đều tiền giải thưởng. Ông nhẹ nhàng, cầm đi, Đỗ Hồng Quân rất thích lời thơ Hoàng Quý khi vào ca khúc. Tôi và vợ tôi xúc động không nói được điều gì.
Khi ông viết “Giao hưởng Côn Đảo”, viết xong chương nào ông đều gọi tôi và giải thích, trình bày rất sôi nổi. Khổ quá, ông luôn cho rằng tôi rất mẫn cảm và có thẩm âm. Ông coi tôi như người ngang hàng, như kẻ biệt tài về thưởng thức âm nhạc. Không tài nào có thể nói với ông, rằng, món này tôi rất dốt. Hoàng Lương gửi vào bản demo đầu tiên. Ông xúc ấm, pha trà trịnh trọng. Âm thanh òa xuống căn gác bề bộn. Đây là Côn Đảo hồng hoang. Ru rím tôi những âm giai Môn Khơ me. Đảo hoang xanh nghi nghút và say đắm. Đây là tiếng xiềng xích. Những người tù khổ sai bị biệt đầy oằn dưới những làn roi xé thịt. Và đây, những hồn oan khuất trong khúc tưởng niệm dưới lốc tố Hàng Dương… Giao hưởng Côn Đảo là giao hưởng lớn cuối cùng của cuộc sống ông có những ngày như vậy.
Đồng thời với Giao hưởng Côn Đảo. Ông yêu cầu tôi viết một bài thơ về quê hương tôi, trong đó có những năm tháng trẻ trai ông: Trung Du. Tôi viết như nằm mộng. Viết rất say và cảm xúc.Rất nhanh, “Hợp xướng Trung du” được Hoàng Lương phối khí, dàn dựng và gửi vào làm quà tặng. Ông cho tôi nhiều quá, mà tôi nào giúp ích được gì!…..
Anh Trương Minh ạ. Nhạc sĩ Hoàng Hà, người bạn vong niên, người anh của chúng ta vừa ra đi, vĩnh viễn ra đi, không dặn điều gì, với riêng tôi là nụ cười dịu dàng vào chiều hôm kia, ngày 3 tháng 9 năm 2013 lúc tôi thăm ông và biết không hy vọng. Bài viết theo đề nghị của anh, tôi viết rất khó khăn. Lúc này lòng tôi hoang vắng lắm. Người thì mỗi năm mỗi khuyết. Ông từng hóm hỉnh thế. Tôi và Hoàng Hà gần nhau hai mươi tám năm. Hai mươi tám năm dài hay ngắn những khoảnh khắc kỷ niệm đời người. Bao nhiêu lá vàng đã rơi trước thềm tôi và những con đường quen, lạ. Đời người như lá… còn làm gì được cho nhau vui thì cố làm. Ông đã nói từ rất lâu, mà sao như hôm qua vậy!
Thành thật tôi không biết, Trương Minh ạ!
Thành Phố Vũng tàu, chiều 5/ 9/ 2013
Nhà thơ Hoàng Quý
Tôi đã đọc tình cảm một tên tuổi thi ca với một tên tuổi khác: Nhạc sĩ Hoàng Hà. Hết sức xúc động. Hết sức đẹp. Tôi chỉ còn biết thốt lên như thế!
———-
TẤT ĐẠT
“Còn làm gì được cho nhau vui thì cố làm”. Nhà thơ nhớ lại chi tiết ấy về Hoàng Hà, thật xúc động. Giữa cái quần cư hỗn độn và bạc phớ này, liệu có bao nhiêu tình bạn trong veo như thi nhân và nhạc sĩ!
Một bài viết rất ngắn mà ngồn ngộn cảm xúc. Thật cảm động. Nhà thơ gửi đến mùa khô héo người những nhắn nhủ về tình bạn, về đạo lý. Sẽ vẫn còn những tình người tử tế và lương thiện. Nhưng quả là thưa thớt lắm. Tay chủ tịch phệ bụng chỉ ve vuốt và vái trời mãi là chủ tịch. Thằng trưởng ấp thì mơ một bữa lên tiên. Cứ nhơn nhơn, chó nhảy bàn độc. Đọc bài viết này, buồn, và càng trong thị Nhạc sĩ, thi nhân!
“Thành thật tôi không biết, Trương Minh ạ!”. Những người bạn Hà Nội của Hoàng Hà, Hoàng Quý đã đọc. Xúc động, quá xúc động. Chúng tôi đều buồn. Thái thì khóc. Không ai muốn phá vỡ sự im lặng, nặng nề.
Cảm ơn trang mạng vuthanhhoa.net. Từ trang của nữ sĩ, chúng tôi đọc tin từ nhà thơ Hoàng Quý đêm qua, và biết nhạc sĩ đáng kính Hoàng Hà tạ thế. Tin truyền đi rất nhanh. Có người chưa tin. Có người rơm rớm nước mắt. Sáng nay biết là thật. Bây giờ đọc bài viết của Hoàng Quý, chợt ngậm ngùi. Thì ra, khi sống ta thường không mấy khi tự nhìn mình và nhìn sâu trong mắt bạn. Bài viết của thi sĩ Hoàng Quý đánh thức sự thờ ơ, đôi khi vô cảm trong mỗi chúng ta.
Xin chia buồn cùng tang quyến nhạc sĩ Hoàng Hà!
Cầu chúc hương hồn nhạc sĩ siêu thoát!
Cám ơn Vũ Thanh Hoa!
Cám ơn bạn của chúng tôi, nhà thơ Hoàng Quý!
Đọc đi, đọc lại những dòng đầy cảm xúc, thật cảm động. Dò tìm tư liệu, nhạc sĩ Hoàng Hà sinh năm 1929, nhà thơ Hoàng Quý tuổi thực 1952. Hơn kém nhau 23 năm, mà tình bạn, sự yêu quý, sự chăm chút, sự quan tâm, trọng thị nhau lặng lẽ, hiếm có. 16 tuổi, nhạc sĩ Hoàng Hà thoát ly tham gia kháng chiến chống xâm lược Pháp. Thật ngỡ ngàng, cũng 16 tuổi nhà thơ danh tiếng Hoàng Quý của hôm nay “khai man’ năm sinh một cách đáng kính, đáng yêu, đăng lính, đi vào cuộc chiến tranh bất khuất chống xâm lược Mỹ thật nhẹ nhàng. “Còn làm gì được cho nhau vui thì cố làm”. Tôi đọc và kính cẩn thi lễ trước anh linh nhạc sĩ vừa tạ thế!
Cảm ơn nhà thơ Hoàng Quý đã viết vài hồi tưởng trước người bạn vong niên cao quý của ông! Và tôi nghĩ, từ giây phút này không còn chỉ riêng ông!
Kính!
———–
Tường Quyên
Nó là nhà ngục Basti. Không, nó còn hơn thế, đau đớn hơn nhiều lần thế!
(cố nhạc sĩ Hòang Hà)
_______________
Người nghệ sĩ luôn nỗ lực vươn tới cái đẹp, ông muốn phá siêu ngục Bastille. Ở trên trời, hẳn ông cũng còn mong như thế.
Biết ơn ông đã nghĩ đến cuộc cách mạng Pháp (14 tháng 7 năm 1789), và cái ngày này đã trở thanh ngày lễ quốc khánh của Pháp cho đến tận ngày nay.
1789 cũng là năm vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh cho quân Tàu bại liệt.
Một tình bạn bền bỉ. Biết nhiều hơn những chi tiết quý về nhạc sĩ Hoàng Hà và ứng xử của ông. “còn làm được gì cho nhau vui thì cố làm”. Thật đáng quý!
Ngày Trịnh Công Sơn còn sống, được biết ông rất thích hai từ “tử tế” của người Bắc. Và, được biết khi hiểu rõ nghĩa hai từ này, ông cố gắng sống và ứng xử sao cho đúng nghĩa sự tử tế. Đọc vài hồi ức về nhạc sĩ Hoàng Hà của nhà thơ Hoàng Quý, thật xúc động trước tình người tử tế giữa cơn bão xuống cấp đạo đức xã hội ta. Không ăn thua, không khoe mẽ, “còn làm gì được cho nhau vui thì cố làm”. Thật đáng kính!
Một tình bạn quá đẹp. Tình bằng hữu, tình nghề chung, riêng trong trẻo, tuyệt vời. Càng đọc càng ngậm ngùi. Đau xót thay cái xã hội rồ dại này chả có bao người tử tế nữa. “Xem ra nhân quần nêm chật, tô mặt, hích chen, nhẫn tâm… mà người thì mỗi năm mỗi khuyết”. Buồn, rất buồn!
Sáng nay 7/9/2013, Lễ tiễn đưa nhạc sĩ Hoàng Hà về nơi an nghỉ cuối cùng. Cám ơn nhà thơ Vũ Thanh Hoa, cám ơn nhà thơ Hoàng Quý đã đưa tin, đã viết những dòng đầu tiên và sớm nhất về nhạc sĩ yêu quý. Tô và các bạn bè sẽ cùng tiễn đưa ông.
Rất buồn. Cầu cho hương hồn nhạc sĩ Hoàng Hà siêu thoát!
Lúc này là 13h15 ngày 7/9/2013, Lễ an táng nhạc sĩ Hoàng Hà tại khu thảo dân, nghĩa trang Long Hương BRVT đã hoàn tất. Có lẽ Trời Phật độ cho ông, thời tiết dậm dọa có mưa lớn đêm qua bỗng dưng quang quẻ. Tiễn đưa ông trời cho nắng thu vàng hoa cúc. Điều kì quái là không một bóng dáng dù chỉ hạng ruồi như bí thư phường, chủ tịch phường chứ chưa nói tới hạng lông như thành phố, như tỉnh, tất thảy không có mặt. Không hơn, chừng sáu, bảy chục người tiễn ông, chủ yếu là bạn hữu, mươi lăm văn nghệ sĩ, hoặc bà con dân thảo quanh thành phố. Vài gương mặt nhạc sĩ, bầu bạn xuống từ thành phố HCM. Tôi và một người bạn không hề là bạn ông cũng xuống từ Biên Hòa. Vì sao vậy? Thì ra Hoàng Hà từ chối Giải thưởng Nhà nước và bỏ Đảng mấy năm trước.
Đúng là kiểu ứng xử hạng ruồi, hạng lông từ bản chất hạng ruồi, hạng lông.
Hai ngày qua, bao nhiêu báo chí, bao nhiêu trang mạng, bao nhiêu chương trình trên sóng ptth, các ca khúc viết về Nhân dân, viết về Chiến sĩ, viết về Tổ quốc của Hoàng Hà vẫn đang, sẽ và còn đi cùng năm tháng. Ông thuộc về Nhân dân, thuộc về Tổ quốc. Mấy cái vớ vẩn ấy mà, bạn Nhật Nguyên ạ!
Nhớ chuyện xưa, quyền cỡ vua (Thiên Tử), ấy thế mà dân chửi giữa ban ngày ban mặt tiên sư thằng bảo thái. Hạng ruồi, hạng lông nói làm gì. Trời Phật cho nắng đẹp ngày tiễn đưa nhạc sĩ Hoàng Hà mới đáng nói. Ngày tiễn đưa ông, ngoài gia đình, họ mạc, số ít nọ là dân thảo và một số là bạn ra bạn, thế mới sướng. Nếu có lẫn rác tí ti, ngày này cũng nên thể tất. Nếu không người xưa dạy “nghĩa tử là nghĩa tận” phí lời à? Thất phu biết gì lời dạy cổ nhân. Đúng không?
Trong đôi dòng hồi tưởng, nhà thơ Hoàng Quý có nhắc tới chi tiết câu nói hóm hỉnh của người nhạc sĩ danh tiếng : “… người thì mỗi năm mỗi khuyết” bạn Chử Minh Hằng ạ. Lời nhạc sĩ thiêng lắm. Ông thấy và như nhắc trước rồi mà. Quỷ, ma tiễn ông thế nào được. Tưởng quỷ, ma quen thói hô phong hoán vũ dọa bão, dọa mưa, ấy thế mà Trời Phật cứ cho nắng vàng cúc, và Lễ tiễn đưa ông dù ít nhưng là NGƯỜI. Người ta nói lẽ đời, lẽ người, chứ cổ kim xưa nay có nói lẽ ma, lẽ quỷ đâu. Phải không ạ!
Đọc thêm ý kiến các anh, các chị, xin chép vài câu thơ trong trường ca Những người trên cửa biển của vì sao sáng nhất trên bầu trời âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX và cũng là một nhà thơ còn để lại những tiếng rạn vỡ chúng ta cần nhớ, nên nhớ và phải nhớ:
Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
Lẫn trong hàng ngũ
Những con bói cá đậu trên những dây buồm
Đang đo mực nước
Những con bạch tuộc
Bao tay chân cố dìm một con người
…
Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải
Đã thấy loài sâu nằm dài trong cuống
…
Không có tiếng vỡ trong không gian
Sao có tiếng vỡ trong lòng tiếng âm vang rên rỉ
———-
VĂN CAO
Văn Cao đã về trời. Và, Hoàng Hà hôm na từ biệt chúng ta. Đời Văn Cao những tháng năm bị giá họa phải kén rượu làm người. Hoàng Hà lúc chia tay, mừng thay có bên ông: Hoàng Quý!
Kính thưa bác Hoàng Quý!
Cháu là một độc giả đã đọc đồng thời sưu tầm nhiều bài thơ của bác. Nhiều bài thơ của bác cháu và các bạn sinh viên cùng lớp thuộc nằm lòng. Đọc bài viết đầy ắp xúc động này khi một người anh, một người bạn vong niên của bác – nhạc sĩ Hoàng Hà đã ra đi, chắc bác vô cùng buồn và trống trải.
Kính mong vong hồn nhạc sĩ Hoàng Hà được siêu thoát cõi vĩnh hằng!
Cháu thay mặt các bạn bè rất mong bác Hoàng Quý luôn mạnh mẽ, như thơ bác. Và mong còn nhiều lần được nghe thơ bác do chính bác đọc tại Văn Miếu, Hà Nội!
CAO MINH VŨ
Các nhạc sĩ lão thành thành cứ lần lượt thưa vắng. Cuộc đời và những cống hiến của họ thật đáng trân trọng. Đọc bài viết ngắn của anh về nhạc sĩ Hoàng Hà xúc đông quá anh Hoàng Quý ạ.
Xin cầu nguyện cho vong hồn nhạc sĩ Hoàng Hà được thanh thản miền cực lạc!
Trân trọng!