VTH – “Ăn nhanh, đi chậm hay cười/Nói to, đái bậy là người Việt Nam” – Câu vè truyền miệng từ lâu vẫn chưa thôi “tính thời sự”: Ra sân bay quốc tế, chỗ nào đông người VN tụ tập là sẽ thấy họ ngang nhiên che chắn các lối đi, nói chuyện ồn ào, ý thức xếp hàng nhường nhịn yếu kém, chưa kể xả rác và khạc nhổ bừa bãi… Thật xấu mặt cho cộng đồng người Việt. Mời bạn đọc bài viết trên chuyên mục Văn Hóa của Vũ Thanh Hoa trên báo Bà Rịa-Vũng Tàu Chủ nhật ngày 20/5/2016 tại đây
GIỮ GÌN HÌNH ẢNH ĐẸP NƠI CÔNG CỘNG
Ai đó đã từng nói, người xứ mình đi đâu cũng dễ nhận ra, ấy là vì thói quen ồn ào, thích tụm năm tụm ba “tám” chuyện. Tại những nơi công cộng như bệnh viện, siêu thị… chuyện nói to, chen lấn, xô đẩy nhau vẫn diễn ra thường xuyên.
Nhóm các “bà tám” rảnh rỗi tại các khu tập thể, chung cư – Ảnh minh họa trên Internet
1. Nhà tôi ở một khu tập thể tại TP. Vũng Tàu. Không cố tình nhưng hàng ngày tôi vẫn phải chứng kiến những câu chuyện của hàng xóm. Có hôm, tôi dắt xe đi làm buổi sáng đã thấy các chị, các bà í ới gọi nhau “họp hội”. Khi hết giờ làm, tôi về đến nhà vẫn thấy “hội họp” chưa tan. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới biển được các “nhà phê bình” đem ra mổ xẻ, phân tích. Từ chuyện cướp của, giết người, hiếp dâm đọc trên báo mạng quay sang chuyện hàng xóm: Nhà kia cả bố lẫn mẹ đẹp mà sao con cái lại xấu thế, chả biết nó giống ai?! Nhà nọ hai vợ chồng cãi vã nhau tối ngày mà nay chị vợ lại có bầu!
Bàn chán chê chuyện nhà người, các bà, các chị lại bàn đến chuyện nhà mình.Chị này bô bô kể tội chồng, ngay đến những chuyện tế nhị nhất cũng bị đem ra “giãi bày’ trước tập thể rất hồn nhiên. Kể tội chồng xong tiếp đến họ hàng, gia đình nhà chồng: mẹ chồng, em chồng và lũ cháu chắt “không biết điều”. Chị khác thì khoe con mình, nghe mà cứ ngỡ “thần đồng đất Việt”: thông minh, chăm chỉ, thật thà lại đầy sáng tạo, ăn đứt con thiên hạ! Buôn chuyện chán chê các chị quay qua tranh luận trực tiếp, mà khả năng những “quan điểm trái chiều” gặp nhau khá cao, không ít trường hợp dẫn đến cãi vã, thóa mạ nhau đến mức không nhìn mặt nhau cả năm trời. Trong các câu chuyện phiếm liên tu, bất tận, các chị còn thỉnh thoảng kèm theo những câu chửi thề, những từ ngữ nói lóng rất chướng tai. Nhiều khi nói cho vui miệng những câu chuyện làm quà, các chị quên rằng chính con cháu mình nghe thấy, nhìn thấy sẽ tạo nên hình ảnh không đẹp về những người mẹ, người bà của mình.
Nhiều người vừa lái xe vừa nghe điện thoại trên đường
2. Trong các lớp học có giảng viên nước ngoài, một học viên đã để điện thoại reo ầm ĩ rồi hồn nhiên nghe, nói oang oang khiến các học viên khác được một phen ngượng chín mặt. Lần khác, cả văn phòng cơ quan đang chăm chú làm việc chợt giật mình vì tiếng chuông điện thoại và một bác lớn tuổi nói to như đang ở nhà: “Tao đã dặn rồi mà mày không nghe, ăn xong không đóng kỹ nồi thịt kho lại thì kiến bu vào là phải rồi!”. Thấy mọi người nhìn, bác bèn đi ra phía hành lang nhưng vẫn tiếp tục xa xả giáo huấn con một lúc nữa về bài học cẩn thận và tiết kiệm!
3. Ngành du lịch nước ta lâu nay vẫn “đau đầu” bởi tình trạng một số du khách Việt thiếu ý thức nơi công cộng. Đến đây thì không còn là chuyện nhỏ trong khu tập thể, trong công sở hay tại thành phố “giữa mình với ta” nữa. Chuyện nói to, cười đùa ầm ĩ, ăn mặc lố lăng ở những nơi tôn nghiêm; chuyện chen lấn xô đẩy, đứng chật kín lối đi lại hay chuyện lấy buffet quá nhiều để đến nỗi ở nhà hàng Nhật hay Singapore đã trưng ra tấm biển ghi bằng tiếng Việt “Lấy vừa đủ ăn” đã làm xấu mặt bao nhiêu du khách Việt khi sang nước bạn.
Một lần tôi đi qua một quán nhậu bình dân có khách ngồi chật kín, đã không khỏi kinh ngạc khi nghe họ đối thoại, trong những câu nói chuyện bình thường họ đệm hơn một nửa là những câu chửi thề!
Thói quen xả rác bừa bãi khắp nơi
4. Phong trào giữ gìn vệ sinh công cộng và ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường đang được các cấp chính quyền đặc biệt chú trọng. Gần đây, TP. Vũng Tàu đã tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách, người kinh doanh du lịch trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường tại các bãi tắm, mạnh tay xử lý các hành vi tụ tập ăn nhậu, xả rác nơi công cộng… Nhờ đó, tại các tụ điểm vui chơi, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch, tình trạng buôn bán hàng rong, trải bạt ăn nhậu, xả rác ở công viên, vỉa hè, bãi biển đã giảm đáng kể. Từ những hành vi nhỏ nhất của chính mình, mỗi người cần tự ý thức tạo thành thói quen lịch sự, văn minh để tạo nên hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
VŨ THANH HOA