Đạo diễn Lê Hoàng: “Tôi là con ếch phù hợp với cái giếng của mình”

VTH – Chưa bao giờ tôi cảm tình với người đàn ông có giọng nói the thé , thân hình khẳng khiu và ánh nhìn giống… “đặc vụ  chìm”  hơn là một đạo diễn điện ảnh, nhưng có thể vì thế mà Lê Hoàng tồn tại và thành công được ở thị trường nghệ thuật Việt Nam chăng? Mời bạn xem bài phỏng vấn Lê Hoàng:

>>Lê Hoàng đang tự đánh mất hình ảnh mình?

Tôi không phải Trương Nghệ Mưu, cũng không phải Trần Khải Ca. Một trăm năm nữa tôi cũng chẳng được như họ. Tôi là con ếch phù hợp với cái giếng của mình”, đạo diễn của “Trai nhảy” tâm sự.

– Khi xem 3 bộ phim gần đây của anh (“Gái nhảy”, “Lọ lem hè phố”, “Nữ tướng cướp”), nhiều người cho rằng “Gái nhảy” hay nhất, hai phim sau anh làm việc trong quá nhiều áp lực. Anh nghĩ sao về nhận định này?

Đạo diễn Lê Hoàng

– Tôi hoàn toàn không đồng ý là phim đầu tiên hay nhất. Nó chỉ được dư luận nói tới nhiều nhất mà thôi. Còn áp lực không phải ngày càng cao mà ngày một khác.

– Anh là đạo diễn đầu tiên dám nói thẳng rằng, cần làm phim sao cho có khán giả. Trong quan niệm của anh, một bộ phim như thế nào sẽ kéo được số đông khán giả đến rạp?

– Một bộ phim kéo khán giả đến rạp phải có thứ nhất: câu chuyện ấy hấp dẫn, thứ hai: những trò minh họa câu chuyện ấy hấp dẫn, thứ ba: vấn đề của phim đặt ra được thanh niên quan tâm.

– Đưa bối cảnh thời thượng, người mẫu, vũ trường, tệ nạn vào phim để hút khán giả trẻ nghe cũng hấp dẫn. Nhưng thực tế thị trường điện ảnh năm qua chưa thực sự hoàn toàn thừa nhận. Theo anh, những thất bại này cơn cớ từ đâu?

– Cách đây vài chục năm, những người đi Liên Xô trở về chỉ mang mấy thứ: bàn là, nồi áp suất. Chỉ thế thôi. Bây giờ những thứ như thế đem cho cũng khó. Tóm lại, sự phát triển của trình độ hưởng thụ từ vật chất đến tinh thần đều cần có thời gian. Thất bại của một số người làm phim trẻ là do họ mơ tưởng vấn đề của mình là vấn đề của khán giả.

– Làm phim hấp dẫn để khán giả đến rạp, đó là một cách cứu điện ảnh Việt Nam qua cơn bĩ cực. Nhưng nếu cứ hấp dẫn như một số bộ phim chiếu Tết vừa rồi thì chúng ta sẽ lấy gì để giới thiệu với thế giới về điện ảnh Việt Nam?

– Đừng nghĩ tới thế giới vội. Vì thế giới hiện nay khi làm phim họ cũng có nghĩ gì tới chúng ta đâu.

– Anh cũng nói nhiều lần, điện ảnh Việt Nam chưa có các ngôi sao đảm bảo doanh thu cho phim. Vậy thì việc họ tỏa sáng hay không chỉ còn chờ các đạo diễn, anh nghĩ sao?

– Tôi xin thêm, thiếu ngôi sao sáng lẫn đạo diễn sáng. Họ sẽ chiếu sáng nền điện ảnh của chúng ta.

– Năm 2006 sẽ là năm mà các hãng phim cùng chạy đua vì “bầu sữa bao cấp” cho điện ảnh đã chấm dứt. Anh thấy thế nào khi tất cả những người làm nghề sẽ phải lao ra thị trường kiếm lợi nhuận?

– Tôi chả thấy lo gì cả. Ngược lại thì có. Vì trong kinh tế, bao nhiêu công ty khi cổ phần hóa chả hề chết mà phát triển hơn. Điện ảnh cũng thế.

– Theo anh, Nhà nước phải làm cách nào để các đạo diễn có điều kiện sáng tạo ra những bộ phim nghệ thuật cao?

– Trước mắt, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ khâu đào tạo thôi. Chấm dứt tài trợ các đạo diễn và bất cứ ai. Vì hễ có, ai cũng chứng minh mình là tài năng. Hãy để cho nhân dân làm chuyện này.

– Nhìn vào kịch bản các phim sản xuất năm 2006, dường như vẫn chỉ là những đề tài nối dài của vài năm trước. Anh nghĩ gì khi dòng phim “mì ăn liền” của thập niên 90 đang trở lại, nhưng được nâng cấp hơn về mặt quảng bá lăng-xê?

– Lưu ý: Mì ăn liền đã được bình bầu là sản phẩm tiêu biểu nhất của thế kỷ 20, đấy là đánh giá của thế giới. Thà mì cao cấp còn hơn xôi nghiệp dư. Chả việc gì phải sợ mì. Chỉ sợ mì không phát triển.

– Một trong những nguyên nhân gây trì trệ điện ảnh Việt Nam là không quen nghe những lời nói thật. Là người nắm giữ rất nhiều bí mật xưa nay của điện ảnh Việt Nam, hẳn anh cũng lắm khi chua xót?

– Đâu phải riêng tôi. Nhiều, rất nhiều bộ phim Việt Nam đoạt giải là bí mật với công chúng Việt Nam. Thử túm lấy vài người đi đường và hỏi họ xem liên hoan phim Việt Nam gần đây nhất có những tác phẩm nào đoạt giải. Tôi cam đoan 100 người sẽ có 90 người không biết.

– Tại một diễn đàn, anh đã khóc vì sự cô đơn khi nói ra sự thật điện ảnh Việt Nam mà các đồng nghiệp không ủng hộ. Có khi nào nghĩ lại anh thấy mình dại dột khi đụng vào những vấn đề quá nhạy cảm?

– Nói ra tin không thì tùy, hồi ấy tôi khóc vì buồn cười nhiều hơn vì tức. Tôi tin chắc, người ta tức tôi nhiều hơn ngược lại.

– Vừa đóng máy phim “Trai nhảy”, anh có thể tiết lộ những gì?

– Không. Chỉ biết rằng, xem Trai nhảy chẳng giống chút nào với Gái nhảy.

– Sau “Trai nhảy”, anh tiếp tục gì cho dự án “Đợi chuông reo rồi hãy bắn”?

– Thời gian tới còn nhiều thay đổi lắm. Thay đổi thường xuyên, đấy là lẽ sống của phim thị trường.

– Những người tài thường làm được nhiều việc nhưng cuộc sống riêng thì thường nhạt nhẽo. Anh thì sao?

– Tôi chẳng biết mình có tài hay không, nhưng tôi tin chắc cuộc sống của mình không tẻ nhạt, cũng không căng thẳng như nhiều người tưởng. Phần lớn thời gian tôi dùng để đi chơi. Tôi không xứng đáng được gọi là thợ cày.

Theo CAND

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu