VTH – “Thơ cũ còn có đồng minh với những người hay thổi kèn. Người ta khen thơ không vì thơ. Người ta tranh luận thơ cũng không vì thơ. Tội nghiệp nhất vẫn là thơ. Mong manh thế kia, chẳng ai chú ý chăm sóc. Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế mọi quan hệ bị tiền tệ hóa. Có người vì cái gì đó ngoài thơ. Có người hạ giá mình sau gần cả đời hổn hển vì thơ. Có người đâu cần tiền cũng rất khó nói về trình độ. Những cuộc tranh luận tưởng vì thơ, hóa ra không phải mà vì cá nhân, không chịu được nhau về tính cách cũng mang thơ ra, thật tội nghiệp cho thơ. Nhiều con đường để cũ hóa thơ.“- Đọc những dòng viết này của Tiến sĩ Vương Cường, tôi thấy tâm đắc, xin đăng bài viết của anh để bạn đọc cùng tham khảo.

Tôi nhớ có một giai thoại, nhà thơ Chế Lan Viên vào khu bốn, trong những ngày Mỹ ném bom ác liệt, vậy mà các hiệu sách không còn tập thơ nào. Đặc biệt thơ Xuân Diệu. Về HN, gặp Xuân Diệu, ông bảo, có một nhà thơ, thơ in ra bán rất chạy, tìm mãi cũng không thể mua được, gặp ai cũng có thể đọc thuộc lòng thơ nhà thơ này. Xuân Diệu trố mắt, kinh ngạc hỏi, nhà thơ nào? Chế Lan Viên nói, thơ Bút Tre! Xuân Diệu gào lên, hỏng, hỏng, thẩm mỹ thơ hỏng hết rồi. Nhớ lại chuyện này, tôi không muốn anh Nguyễn Trọng Tạo trong bài viết giàu gợi mở xếp thơ Bút Tre vào dòng thơ sang trọng mà anh đang nghĩ tới. Thơ Bút Tre thuộc dòng dân gian, như tiếu lâm bằng văn vần, bình dân, chủ yếu trực tiếp thư giãn, giúp con người vui mà quên đi tất cả những ngọc nhằn bên ngoài. Tác dụng của thơ Bút Tre rất lớn, dễ thuộc và có thể tiếp tục sinh sôi theo thời gian khi tác giả đã không còn. Nhưng không vì thế mà nó đứng chung cùng loại thơ thấm dần vào hồn người bằng cái đẹp để làm hồn người cao đẹp, phong phú và thánh thiện, tăng kháng thể, để con người “giữ lấy sự thèm khát, giữ lấy cái dại khờ” (chữ của Steven Jobs ). Loại thơ này không bao giờ là bình dân cả. Còn văn xuôi hóa, đặc biệt là cũ hóa thì đúng hoàn toàn. Tôi muốn anh trích thêm những câu thơ văn xuôi 100% mà có vần điệu thì còn chính xác hơn nữa, làm rõ hơn nữa cái anh vừa phát hiện, khái quát. Cũ hóa thơ đã làm cho thơ hay bị áp đảo không chỉ như hôm nay mà có thể còn lâu nữa. Có thể lý giải chuyện này như thế nào để khắc phục, thời gian không thể ngắn hơn thời nó hoành hành, nằm ngoài ý muốn các nhà thơ đích thực.
Để hiểu rõ, có lẽ cần quay lại lịch sử những năm đầu thế kỷ 20, khi thơ Mới ra đời và chiếm lĩnh toàn bộ thi đàn, kéo dài hết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước năm 1930, thơ VN chủ yếu là thơ Đường luật. Thơ Đường luật, là thơ từ bên ngoài vào, lấy thể loại làm quan trọng. Người làm thơ phải biết và nắm chắc niêm luật. Từ công thức hay khuôn phép ấy mà làm thơ. Người làm thơ mà chăm chăm, tự gò bó vào khuôn khổ chỉ tồn tại khi việc học hành và thơ còn xa lạ với đời sống con người, thơ để ngâm vịnh, tự nói cái chí cô lập của minh. Vậy mà thơ Đường luật tồn tại hàng nghìn năm. Cơ sở của sự tồn tại đó là chế độ phong kiến với tôn ti trật tự cứng nhắc. Sức sản xuất trong xã hội đó vừa thấp kém vừa lạc hậu không đủ tạo ra nhanh những mâu thuẫn có tính bùng nổ. Nó tạo ra một xã hội như không vận động hoặc vận đông rất chậm chạp, gần như đứng yên. Ở VN, những năm đầu thế kỷ 20, tình hình xã hội đã khác nhiều so với trước. Kết quả của ba lần khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp, góp phần quan trọng, chuyển dần từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân. Chế độ phong kiến không còn độc tôn nữa, bị chia nửa. Xét về mặt xã hội hóa, thì mặt trái của chế độ thực dân vô tình đã đẩy xã hội VN tiến lên. Khi cơ sở bị phá vỡ thì thơ Đường chông chênh và tự mất. Vì xã hội đã có một nửa là thực dân nên con người VN có bộ phận ra khỏi lũy tre làng. Xã hội đã xuất hiện những Tám Bính, Xuân tóc đỏ ở thành thị, những chị Dậu, anh Pha ở nông thôn. Bên cạnh các nhà văn khăn xếp áo the đã lác đác có nhà thơ vận quần áo kiểu Tây. Riêng Xuân Diệu thì comble ca vát hẳn hoi. Phong trào âu hóa có tác dụng đánh thức con người VN nhìn ra thế giới, học theo thế giới mà vẫn giữ được bản sắc của mình nhờ có văn hóa dân tộc. Kết quả đó thấy rất rõ ở thơ mới 1930-1945.Các nhà thơ mới làm thơ là do trời bắt, họ là những người có học, việc học của họ thuận lợi cho việc nhận thức, tiếp nhận, mở mang tầm nhìn góp phần làm cho thơ hay lên. Những người thơ trời bắt thật ra không nhiều. Cái hay của thời đó là những người trời không bắt thì không làm thơ!
Những người làm thơ không do trời bắt đa số đang mù chữ, chưa biết niêm luật, họ đang chạy ăn từng bữa. Thơ hay tất nhiên cần có những nhà thơ hay nhưng thơ hay còn cần đến những người đọc hay. Hai mặt này tạo cho thơ dần hoàn chỉnh và cộng hưởng vượt lên. May mắn của thơ mới là có độc giả mà trước hết là những người có học tiếp nhận văn hóa phương tây, chủ yếu là Pháp. Thời này chữ nho đã cuối mùa, đang tan rã. Thơ ngâm vịnh bắt đầu bị thu hẹp không gian. Cuộc thi Đình do chế độ phong kiến VN tổ chức đã khép lại từ năm 1919. Chữ quốc ngữ đang lên ngôi. Đó là những ngọn gió mới thổi vào thi đàn, có tác dụng thay đổi tính chất của thơ ca. Những cuộc thi đã có sự thay đổi quan trọng: bài thi vừa quốc ngữ vừa tiếng Pháp. Tuổi trẻ chào đón thơ mới trước hết là thanh niên, học sinh trong các đô thị, những người du học trở về, khát khao cái mới tạo nên thế áp đảo. Thơ Mới đã đáp ứng sự hướng về cái mới của họ. Nếu không có họ liệu thơ Xuân Diệu có được chấp nhận không? Nhiều e ngại vì tây hơn trong mắt những người cổ học nên có phần xa lạ. Nhưng rồi chính họ cũng phát hiện trong thơ Xuân Diệu là sự kết hợp giữa tâm hồn dân tộc với tinh hoa văn hóa Pháp. Đó là lần giao lưu quan trọng làm nảy nở và mở rộng tâm nhìn, tầm văn hóa. Những nhà thơ tài năng lại có môi trường bạn đọc mới khao khát đang hướng về phía trước, Việc thơ Đường bị bỏ lại không mấy ai ái ngại hay thương tiếc lập lại một sự công bằng. Không phải có mới nới cũ mà là sự vượt lên theo yêu cầu của cuộc sống và thơ Đường khép lại sau nhiệm kì quá lâu vì có chế độ phong kiến bảo hiểm.Ngày nay thơ VN đang bị cũ hóa, cũ hóa với vận tôc chóng mặt.
Không phải thơ VN hôm nay không có thơ hay. Nhiều bài thơ vừa hiện đại vừa dân tộc và cao hơn nhiều lần thơ Mới và cả thơ kháng chiến. Vì sao vậy? Vì cuộc sống hôm nay cao hơn, con người nay đứng trước một xã hội toàn cầu hóa. Họ không chỉ từ lũy tre làng ra thành phố mà họ đến trực tiếp hoặc gán tiếp thế giới văn minh hơn rất nhiều lần. Những gì họ biết được bị cũ nhanh chóng do khoa học và công nghệ phát triển vũ bão. Khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và không biên giới theo đó nền sản xuất cũng không biên giới. Vậy tại sao thơ VN bị cản trở vì sự cũ hóa? Chúng ta có thể lý giải điều này. Có hai loạii thơ, một là thơ từ trong tim ra và hai là thơ từ ngoài vào. Thơ từ trong tim là thơ của nhà thơ trời bắt, không có thể loại, không bị thể loại nhốt trong lồng. Thơ ấy là nhịp đập của trái tim sau khi chất đủ những trải nghiệm, tình cảm, đớn đau, hạnh phúc và tự nó chiết suất ra thành hình, thành ảnh, thành nhạc, thành thơ. Nếu là cánh đồng thì cò bay thẳng cánh, nếu là dòng sông thì quanh co, nếu là núi thì cao chờn vờn mây trắng, nếu là đường thì khúc khuỷu cheo leo. Tất cả những cái đó không thể xếp được vào một khuôn mẫu nào, thể loại nào cả. Không có thể loại nào có thể giam hãm được thơ. Thơ là tự do như trời đất, như gió thổi, mây bay, như chim kêu, vượn hú.Thể loại là do nhà nghiên cứu phát hiện sau khi liệt kê những bài thơ đặt tên để gọi. Nếu tính thể loại chỉ hết đầu ngón tay mà thơ thì cả trời đất.
Vậy sao thơ nay bị cũ? Đó là vì chũng ta có rất nhiều người làm thơ do học mà biết thể loại rồi làm thơ. Họ không làm thơ cũng vẫn bình yên.Thơ này là thơ từ ngoài vào được nhận biết hình dáng trước khi ra thơ. Khuôn mẫu có sẵn rồi. Một dân tộc yêu thơ tạo ra nhiều người lầm thơ do học. Điều lạ nhất là sự trở lại của thơ Đường. Sau nhiều năm đi làm và có học đội ngũ cán bộ ấy lần lượt về hưu. Họ tìm đến thơ như một sự giải tỏa, như sự chia sẻ. Và thơ của họ lại bắt đầu từ thể loại. Đọc trên mạng tôi thấy nhiều người say sưa tưởng như sự hiểu biết của mình là lạ, là sâu sắc về thơ Đường, tôi nói thật lòng mình, tôi sợ những thủ vị ngâm, thủ vị độc. Tôi thấy một tiếng vọng từ rừng sâu xa lạ hay tiếng dư âm của quá khứ, trong khi cuộc sống đang cuồn cuộn chảy. Cúng cần nói thêm thơ bị cũ hóa còn do nhận thức nữa. Nhiều nhà thơ cho rằng thơ là dễ nhớ, dễ thuộc, đơn giản như bản chất cốt lõi của thơ. Họ là những nhà thơ được sinh ra từ điều kiện thơ đang làm nhiệm vụ đánh giặc lẫn nhiều vần vè, miễn là mang thông điệp yêu nước, căm thù giặc đến với mọi người nhanh nhất. Người đọc nhận thông tin một chiều trong khi thơ cần đa chiều, đa nghĩa. Tính đại chúng của thơ được đặt lên vị trí cao. Nhiều nhà thơ khi cuộc sống đã thay đổi vẫn giữ nguyên nề nếp cũ. Kéo dài cái tốt của thời đó sang ngày nay thành cái xấu.Tình cảm con người đang lúc rộng lớn và phức tạp nhất, thơ phải nén mới chứa được hết. Giống như dung lượng máy tính hay USB hay điện thoại.
Thơ là biểu tượng khái quát, là hình tượng là nhạc điệu, là ý tứ sâu xa, là màu sắc, là âm thanh, là hình ảnh…làm sao mà dễ thuộc, giản đơn được nhỉ khi ngôn ngữ hoàn toàn mới được thuần dưỡng? Thơ cũ còn có đồng minh với những người hay thổi kèn. Người ta khen thơ không vì thơ. Người ta tranh luận thơ cũng không vì thơ. Tội nghiệp nhất vẫn là thơ. Mong manh thế kia, chẳng ai chú ý chăm sóc. Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế mọi quan hệ bị tiền tệ hóa. Có người vì cái gì đó ngoài thơ. Có người hạ giá mình sau gần cả đời hổn hển vì thơ. Có người đâu cần tiền cũng rất khó nói về trình độ. Những cuộc tranh luận tưởng vì thơ, hóa ra không phải mà vì cá nhân, không chịu được nhau về tính cách cũng mang thơ ra, thật tội nghiệp cho thơ. Nhiều con đường để cũ hóa thơ.
Trong bối cảnh thơ bị cũ hóa cả trong sáng tác và nhận thức như thế thì có thơ hay giống như hạt vàng trong bãi cát, người ta cũng khó tìm, ấy là chưa nói phải thay đổi mắt nhìn mới thấy. Nếu thơ Mới chỉ vài năm, sau Tình già của Phan Khôi (1932) đã được con người thừa nhận và chính nó đã kịp kéo lại một vài nhà thơ khi viết những bài thơ đầu tiên là thơ Đường trở lại với nó thì ngày nay, sau 25 năm đổi mới, thơ thời đổi mới vẫn còn trầy trật chứng minh cái mới, cái hay của mình. Thời này vẫn nhiều nhà thơ trời bắt. Những chất chứa trong tim không thể không thoát ra ngoài. Với họ, dù thế nào họ vẫn làm thơ. Tôi nghĩ nhiều bạn đọc và cả nhà thơ phải thay mắt nhìn, chỉnh sửa lại cái thẩm mỹ đã hằn sâu và kéo dài mới thấy được thơ thời đổi mới vẫn hay. Tôi nghĩ không có điều luật nào ở nước nào cấm người ta làm thơ, thậm chí có người còn thấy đó là cái may của một dân tộc vì vậy thật đáng tôn trọng những người làm thơ và cầu chúc cho mọi người lần lượt có những đổi thay để tiếp nhận cái đòi hỏi phải lột xác mà thơ đang đòi hỏi, để sáng tác, tránh cho thơ VN cũ đến mức không thể nào cũ hơn, thơ thời đổi mới chiếm lĩnh thi đàn…
Vương Cường
Tôi có 02 lý do thế này :
1. Bị lối sống mới lấn át. Rất nhiều lĩnh vực cùng chung số phận , ko riêng gì thơ
2. Mặt khác , chất lượng thơ bây giờ cũng xuống cấp . Báo Thanh niên , số chúa nhật, thường dành 01 trang để in thơ. Rất nhiều bài nhạt như nước ốc.
Xin chia sẻ những tâm hồn thơ như VTH.
Tôi rất thích đọc thơ , trong đó có thơ Đường.