Viện Hàn Lâm Thụy Điển hôm 07/10/2021 thông báo giải Nobel Văn học năm nay được trao cho tiểu thuyết gia người Tanzania, Abdulrazak Gurnah, nhà văn mà xuyên suốt các tác phẩm là số phận của người tị nạn.
Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã chọn trao thưởng cho nhà văn Abdulrazak Gurnah vì «sự thấu hiểu, đồng cảm và không khoan nhượng về các hệ quả của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn bị mắc kẹt giữa các nền văn hóa và châu lục». Nhà văn, tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948 trên đảo Zanzibar, đến nước Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Ông là tác giả của 10 tiểu thuyết, nổi tiếng với cuốn «Paradise» (1994). Gurnah sống ở Brighton, Anh, và giảng dạy tại đại học Kent.
Trong tuần này, Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel, nói với tạp chí The New Republic của Mỹ : «Giá trị văn học» vẫn là «tiêu chí tuyệt đối và duy nhất». Trong khi đó, Mats Almegård, nhà phê bình văn học của tạp chí Fokus, phát biểu: «Tôi luôn hy vọng là sẽ có một bất ngờ lớn – điều này khiến mọi chuyện thú vị hơn rất nhiều. Nếu họ làm đúng như điều được mong đợi, giải thưởng sẽ mất đi vẻ lẫy lừng».
Nhìn lại lịch sử, các giải Nobel Văn học thường được trao cho các nhà văn Tây phương, nhất là châu Âu và là nam giới, không phải là người thật nổi tiếng, không phải là tác giả của những cuốn sách thuộc diện bán chạy nhất «best seller». AFP nhắc lại trong số 117 người từng đoạt giải Nobel Văn, có 95 nhà văn, tương đương hơn 80%, là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Riêng nước Pháp giành được 13%. Chỉ có 16 nhà văn nữ đoạt giải so với con số 101 khôi nguyên Nobel văn học là nam giới.
Anders Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel mùa thu năm 2019 cho biết trước đây Ủy ban hướng sự chú ý vào văn học châu Âu, nhưng nay họ nhìn rộng hơn ra thế giới. Năm 2018 và 2020, khôi nguyên Nobel Văn học đều là nữ: tiểu thuyết gia người Ba Lan Olga Tokarczuk (2018) và nhà thơ Mỹ ít được biết đến Louise Glück (2020).
(Nguồn RFI-Pháp)
*Nobel Văn học là giải thứ 4 được công bố trong mùa giải năm 2021. Ngày 8/10, giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố.