Dân ta không biết sử ta…

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện bên lề Quốc hội. Ông nói: “Tôi thấy sốc. Tôi rất buồn. Tôi không trách bạn trẻ. Tôi trách chính tôi…”, khi chia sẻ về việc điểm thi đại học môn sử năm nay thấp đến không ngờ.

Tôi sốc

Kết quả ban đầu của kỳ thi đại học năm nay, điểm thi môn sử thấp đến không ngờ. Nhiều trường đại học có đến 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình, hàng nghìn bài thi bị điểm 0… Ông có biết về thông tin đó không?

Tôi có biết.

Cảm giác của ông khi biết tin đó như thế nào?

Tôi sốc. Dù tôi đã đứng trước thông tin đó quá lâu rồi nhưng tôi vẫn thật sự sốc.

Hẳn đây là chuyện chỉ có ở Việt Nam?

Chuyện này không riêng có ở Việt Nam. Mới đây nhất là trên một tờ báo có đăng một tổng hợp cho biết ở các nước như Mỹ, Anh… đều như thế. Đó là xu thế chung của thời đại phát do sự quá tải về thông tin hiện nay. Nó còn do sự thực dụng trong việc lựa chọn cuộc sống của giới trẻ. Tôi thấy buồn.

Sự khổ sai về trí nhớ!

Và nỗi buồn này có nguyên nhân từ…?

Đầu tiên là do cơ chế giáo dục. Đã có sự cải tiến nhưng chưa có sự thay đổi đáng kể dù xã hội rất bức xúc. Thứ nữa là trong hệ thống giá trị bây giờ thì vai trò của sử học, của người học sử không được đánh giá cao.

Nghĩa là vai trò của tri thức sử học bị đánh giá thấp?

Gần như thế. Ở đây phải nói đến chuyện lương bổng. Lương bổng của người nghiên cứu sử không cao. Rõ ràng là giá trị thực tế ở đây không có. Trong khi đó giới trẻ có quyền lựa chọn sự tối ưu cho mình. Đơn giản thế thôi!

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Có cách nào đó để cải thiện tình trạng học sử quá trì trệ như hiện nay không?

Tôi nghĩ không nên vội vàng quá vì kiến thức lịch sử là sự tích lũy lâu dài của đời sống. Trong khi học sử bây giờ đánh đố trí nhớ của học sinh là chính. Trong tâm thức của giới trẻ có gắn bó với lịch sử dân tộc hay không thì tôi nghĩ là không. Riêng lịch sử, ngoài kiến thức trong sách vở còn cần đến môi trường hoàn cảnh xã hội. Nếu có môi trường kích thích nó thì nó sẽ theo. Học lịch sử chỉ là một sự khổ sai về trí nhớ!

Tôi không trách bọn trẻ

Ông lý giải thế nào về việc giới trẻ bây giờ thờ ơ với sử?

Họ nhìn vấn đề gắn với lợi ích. Chẳng hạn như vấn đề hướng nghiệp, giới trẻ chọn con đường dễ tiến thân, dễ phát triển để có một đời sống tốt. Tự nó sẽ quyết định đầu tư thời gian vào cái gì, vào môn nào trong danh sách các môn học của chúng.

  • Lịch sử hấp dẫn hay không là do bản thân chúng ta nhìn nhận. Lịch sử có hai thuộc tính quan trọng nhất là sự công bằng và tính chân thực. Rõ ràng trong việc dạy lịch sử hiện nay chúng ta mang nặng dấu ấn chính trị quá. Cái lịch sử mà chúng ta đang giảng dạy quá cứng nhắc. Tôi nghĩ là cần phải thay đổi từ gốc, nghĩa là từ nhận thức lịch sử, trong đó khâu giảng dạy là quan trọng nhất. Phải cải tiến nền giáo dục, sách giáo khoa, cách giảng dạy… thì may ra mới có sự biến chuyển.

Vậy cái sự lựa chọn đó không có gì là đáng trách? Việc học sinh học dốt sử cũng chẳng có gì đáng trách?

Tôi không trách bạn trẻ. Tôi trách trước hết là vai trò của những người dạy sử, của những người viết sách sử, những người làm giáo dục và tôi trách chính tôi.

Thế là bản thân môn sử không có giá trị thực tế cho người học?

Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng nếu có cháu nào học sử giỏi thì đi làm sẽ được trả lương cao gấp đôi gấp ba chẳng hạn, có khi chúng nó giỏi sử ngay. Đó là những điều rất thực tế trong đời sống.

Sẽ nói bất cứ khi nào có điều kiện

Nếu phải lựa chọn là một chính trị thành đạt hoặc một nhà sử học lỗi lạc, ông sẽ chọn thế nào?

Tôi không nghĩ rằng nên tách chính trị ra khỏi nghề nghiệp, nhất là khi đã tham gia vào một cơ cấu chính trị. Cái quan trọng là ta dùng hiểu biết về nghề nghiệp như thế nào để đóng góp vào cho cái chung. Bởi vì cái tính đa dạng của thành phần Quốc hội chính là để mỗi người đứng trên lĩnh vực riêng của mình có thể đóng góp vào sự phát triển chung.

Nhưng không phải người học sử nào cũng có sự thành đạt trong sự nghiệp chính trị giống như ông, để họ có thể lựa chọn theo ngành sử học?

Tôi nghĩ nói từ “sự nghiệp chính trị” là hơi quá. Tôi thấy tôi là Đại biểu Quốc hội chỉ bởi một lẽ đơn giản: Đại diện cho một giới mà tôi được tín nhiệm và được bầu ra. Đó chỉ như một công việc, một trọng trách mà tôi phải làm thôi.

Ông vốn nổi tiếng là người “nói nhiều”, trong kỳ họp lần này, ông có nói về thực trạng dạy và học môn sử?

Tôi sẽ nói bất cứ khi nào có điều kiện.

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân, đồng nghĩa là có trình độ cao. Theo ông thì điều này có tỷ lệ thuận với hiểu biết của họ về lịch sử?

Điều này thì tôi không bình luận.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

  • Tôi không bao giờ phải đưa lên bàn cân sự lợi hay hại khi bày tỏ quan điểm của mình. Tôi chỉ cân nhắc kỹ những điều mình định nói và chịu trách nhiệm về điều mình nói. Nói đúng điều mình nghĩ bằng một cách nói dễ hiểu để người khác không hiểu sai ý mình là điều tôi quan tâm. – Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Tô Hội (Thực hiện)

Theo bee.net

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu