Theo dấu… Hoa cỏ – Võ Chân Cửu

VTH – Thoáng gặp mình ngoài đường và đặc biệt là đọc thơ tình Vũ Thanh Hoa, khá nhiều người nhầm lẫn về tuổi tác, tất nhiên là nói theo tín hiệu mừng vì… đa số họ đoán trẻ hơn tuổi thật nhiều. Tập tản văn thứ 2 của nhà thơ Võ Chân Cửu: “Theo dấu nhà thơ”, trong đó có 2 chương nhắc đến Thơ và tác giả Vũ Thanh Hoa cùng giai thoại “nhầm tuổi”batting eyelashes… Mời Bạn đọc thông tin về sách và những cảm nhận của nhà thơ Võ Chân Cửu về “thanh nữ” Vũ Thanh Hoa day dreaming:

VCCUU1

Cuối tháng 3-2015, Công ty sách Phương Nam vừa phát hành tập tản văn thứ 2 của nhà thơ Võ Chân Cửu: Theo dấu nhà thơ. Sách dày 270 trang, in đẹp với tranh của họa sĩ Lê Thánh Thư ( bìa1), Lương Trường Thọ (bìa 4).

Cùng “theo dấu nhà thơ”

Sau “22 Tản mạn” (do NXB Hội Nhà văn & Công ty sách Phương Nam xuất bản, phát hành tháng 6-2013), tác giả Võ Chân Cửu lại “Theo dấu nhà thơ”-trong đó có bóng dáng chính mình-để phơi bày nguyên do tạo tác và sự xuất hiện của những bài thơ trước năm 1975 ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Không chủ trương đi sâu vào khắc họa chân dung văn học, nhưng ở đây, tính cách các nhà thơ được nhắc đến, ít nhiều cũng cho thấy nét đặc trưng của dòng chảy thơ ca giai đoạn trên. Đậm nét là những nổ lực vượt lên những trói buộc của thời thế, thoát khỏi ảnh hưởng người đi trước để tự làm mới sáng tác của chính mình. Đâu đó, có thể nghe ra sự ngậm ngùi bởi “được mùa quá ngắn” của lứa cầm bút được định danh vào giai đoạn 1968-1975, trong đó có tác giả tập sách.

Vẫn với lối viết ẩn dụ, nhiều chỗ mang tính tự sự, người ta thấy Võ Chân Cửu cố gắng lý giải “thơ chết từ đâu”, và “hoài niệm xuân xa”. Ở những bài thơ và những nhà thơ được nhắc đến sau cột mốc 1975, người đọc thấy rõ niềm tin mãnh liệt của tác giả về sức sống mãnh liệt của thơ ca trong ngôi nhà nghệ thuật chung. Sau Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, Trần Tuấn Kiệt, Trần Xuân Kiêm…phần trích dẫn các bài thơ sau 1975 của các tác giả từng xuất hiện trước đó như Nguyễn Lương Vỵ, Hồ Ngạc Ngữ, Phù Hư, Nguyễn Miên Thảo…; kể cả những cây bút đang tiếp tục làm thơ ở nước ngoài như Vương Từ, Trần Vấn Lệ, Nguyễn Thanh Châu, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Thị Khánh Minh…cho thấy ý kiến về bản lĩnh tạo nên bản sắc của mỗi người làm thơ. Tác giả cũng có những ghi nhận độc đáo xung quanh các nhà thơ nữ từ Nhã Ca, Lý Thụy Ý, đến lớp đương thời như Ngô Thị Hạnh, Vũ Thanh Hoa, Trần Hoàng Vũ Nguyên…Thơ ca cần để “vinh danh nữ tính”…?- như các chị đã tự trả lời. Một số tác giả vốn nổi danh trong bộ môn nghệ thuật khác, được đưa vào đây như Đinh Cường (hội họa), Mang Viên Long, Trương Đạm Thủy (văn xuôi)…góp phần minh định sự bất diệt của cõi thơ (đích thực).

Tác giả có đi vào lý giải về cách hành văn và sự độc đáo, giàu có của ngôn ngữ Việt Nam…Điều này làm giải tỏa những băn khoăn trong tình hình thời sự hiện nay. Nhà thơ vẫn làm chức năng và nghĩa vụ của mình khi khơi gợi ra được cái hay, nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Chính vì thế, người ta thấy tác giả có phần cực đoan khi đề cập đến các dòng thơ tự cho là “tân hình thức” hay “hậu hiện đại” gần đây. Vấn đề này hy vọng sẽ còn được các nhà nghiên cứu lý luận phê bình bàn luận tiếp. Ở đây, người ta thấy rõ Võ Chân Cửu theo dấu thơ ca với mắt nhìn của một người nặng nghiệp văn chương.

Chính vì vậy, khi được nhận tập bản thảo được tác giả ghi thể loại “Tản văn”, tôi và những người từng biết tác giả, rất hân hoan. Sách viết về thơ các tác giả miền Nam trước và sau cột mốc 1975 hiện “hơi bị” ít. Viết về thơ mà lôi cuốn được người đọc, thì các nhà thơ có ưu thế vì bút lực dồi dào, như Võ Chân Cửu đang chứng minh…

Chu Ngạn Thư

nha me1
Vũ Thanh Hoa, tháng 3/2015

  Hoa cỏ ven sông

Không phải chỉ ở Sài Gòn khói bụi, mà gần như tại hầu hết các đô thị lớn nhỏ hôm nay, các phụ nữ trẻ ra đường thường bịt một khăn che mặt lớn biến thái từ chiếc khẩu trang. Có nàng còn diện thêm cặp kính mát. Người ta chỉ có thể diện kiến, nhìn rõ ánh mắt nhau những khi…thuận tiện!

Đang bàn chuyện thơ ca, dính dáng gì tới chiếc khăn che mặt?

Xin thưa là: có chứ! Bởi sau những chiếc khẩu trang lớn và đôi kính ấy, có rất nhiều…nhà thơ. Phụ nữ hôm nay, rất nhiều nàng thích làm thơ, và lại làm rất hay là khác. Chưa có nhiều vóc dáng lớn cho triển vọng là một Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan, hay những TTKH, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng..; chỉ một hai khuôn mặt (đa phần ở đất Bắc), thơ chưa lấy gì hay nhưng được báo chí lăng-xê, hay cố bộc lộ phong cách hiện sinh, thơ bốc mùi dục tính. Nhưng hiện tượng trên vẫn rất đáng mừng. Bởi, nếu thơ là tiếng nói từ con tim nhiều cảm xúc, thì người phụ nữ vẫn thường biểu hiện bằng ngôn ngữ rất thật. Khi ngồi viết ai cũng cởi khâu trang và kính mát.

Thật như nữ tính

Cho là tại âm thịnh dương suy, hay kết quả của việc tôn vinh nữ quyền gì gì đi nữa, thì người yêu thơ đúc kết ra được nguyên do của nhiều hiện tượng.

• Đoàn Minh Châu
Mưa tháng Chạp

Em nghĩ về anh khi thành phố rả rích những đợt rét bất thường tháng Chạp
và giọng hát Thuỳ Dương rớt xuống sàn nhà nỗi buồn lung linh sáng
em đóng kín các ngõ ngách căn phòng
thành phố chao nghiêng ngoài kia
từng đợt
từng đợt
sóng sánh mưa rơi rơi như tóc

ngày giáp Tết ẩm mốc đống áo quần cũ kĩ không phơi hết nắng
mường tượng một vòng tay siết chặt ngực
trong giấc ngủ trễ nải kéo dài vô tận
cơn mưa cứ rơi hoài hoài
những đêm em tự tử bằng nỗi buồn không duyên cớ

và buổi sáng
lại gặp nhau trong gương nỗi nhớ thâm thấm lạnh của ngày tháng cũ

mùa xuân rơi nơi nào trong mưa ngoài kia hả anh?
(25.1.08)

Đoàn Minh Châu đang sinh sống ở Đà Nẵng. Cô làm ra bài thơ này lúc tuổi khoảng 25, khi đã ra trường và đi làm. Thơ cô mới đầu chỉ in trên mạng, sau có tự xuất bản theo “Điều…của Hiến pháp”. Cảm xúc nhớ nhung về tình yêu rất thực, sâu xa và không vẩn đục : “mường tượng một vòng tay siết chặc ngực”. Người ta mừng là tình cảm của cô thiếu nữ trẻ có học, trong thời hiện đại vẫn đằm thắm, thiết tha như quy luật của muôn đời.

Một bài thơ khác cũng về đề tài tình yêu của một nhà thơ nữ khác, đang sống ở một thành phố biển:

• Vũ Thanh Hoa
Lặng lẽ

Em gieo bí mật vào gió
mùa đợi những hạt quên
lá nhuộm nửa thu vàng rưng rức
niêm phong một cái tên

em đóng cửa khứ hồi
những chiêm bao cũ
dấu xưa nhón bước ngược về
trên phố vắng những ảnh hình ẩn hiện
anh đâu ?em quơ tay vào khói
vụn vỡ tiếng còi xe
anh biến vào chiếc máy bay
trên đỉnh cao ốc
anh biến vào ô cửa chiếc taxi
em không bao giờ nhớ số
anh biến vào màn hình laptop
anh biến vào chiếc điện thoại đơn thân

em mải mê tìm mùa thu
không bao giờ thức dậy
nhặt huyền hoặc trong bóng lá

lặng lẽ
lẻ loi
từng hạt nhớ trổ mầm.

Bài thơ mang nhiều từ ngữ biểu hiện cuộc sống của thời “@” : cao ốc, laptop, điện thoại…nhưng người đọc nhận rõ là tình yêu không hề bị “số hóa”. Vào những năm thập niên đầu của thế kỷ 21, trong nhịp sống sôi động, cô thanh nữ vẫn nhớ nhung người yêu một cách rất thơ mộng: lặng lẽ, lẻ loi.

Vượt qua những giáo điều và các phương tiện văn minh của thời đại, tình yêu vẫn giữ được tính chất thơ mộng. Như vậy phải cảm ơn thơ ca lắm chứ !

Hai bài thơ trích dẫn trên đây là của những nhà thơ nữ hôm nay…

(Theo dấu nhà thơ, trang 33-36)

3
Vũ Thanh Hoa, tháng 3/2015

Những vương miện gió

Nhà thơ Đỗ Nghê năm xưa, nay viết văn ký tên thật là (Bác sĩ) Đỗ Hồng Ngọc. Sách của ông thuộc loại bán chạy nhất hiện nay. Trong một tạp bút, ông rất…ưu tư khi các cô gái Sài Gòn hôm nay ra đường đều mang khẩu trang lớn che kín hết khuôn mặt; nhưng ngay sau đó ông lại rất vui khi thấy là các cô đều khoe các…cặp đùi khá đẹp.

Nhà văn Đào Hiếu trong một tùy bút đã tôn vinh đó là…cái “vòng thứ 4” của phái đẹp ! Tại các thành phố xứ lạnh như Đà Lạt, Bảo Lộc, ngày nay nhiều cô gái cũng thích diện thời trang là quần short, váy, đầm ngắn. Được ngắm nhìn những nét đẹp…hiện sinh, nhiều khi tôi lại lo vu vơ rằng sẽ không bắt gặp được những nét buồn biểu hiện ở những phần thân thể được phô trương.

Trong xã hội hiện thời, nhờ nghệ thuật trang điểm, và do yêu cầu trong giao tiếp, nét buồn của nhiều người nữ thường được giấu kín. Nhưng ở những người nữ làm thơ, nó vẫn thường xuất hiện. Có khi là những nỗi buồn rất… bâng quơ.

…………………..

Nỗi buồn ở một người phụ nữ, dù là đã có chồng hay đang sống độc thân, sẽ biểu hiện ra sao? -Có một nhà thơ nữ từ thành phố biển Vũng Tàu từng diễn tả nỗi cô đơn của mình :

• Vũ Thanh Hoa

Du Du Mị Mị

bước qua cánh cửa nhà mình
chân mình vướng vít, bóng mình luênh loang
ai gầy nghiêng ngả đa đoan
hạ chưa ngập nắng, nhập nhàng mưa thu

đường xa phố thị tù mù
ngoằn ngoèo xanh đỏ, mập mù thị phi
lập lòe dị bản từ bi
âm dương giao chỉ chi chi chành chành

mờ mờ thủy mặc mong manh
nhà ai khép cửa, tròng trành đơn thân
thẩn thơ quên nhớ tần ngần
thấp tha thấp thỏm một lần thịt da

thoăn thoắt gần
thăm thẳm xa
thà là tĩnh vật nhẩn nha đánh vần
du du mị mị
cõi trần
ủ a
ủ ấp
phù vân
cõi tình

bước qua cánh cửa nhà mình
(4-4-2011)

Khá nhiều nhận định (đa phần mang tính hồ đồ) cho rằng ở phái yếu, điều lớn lao nhất trong đời, với họ là tình yêu. Nó là một nhu cầu phải cần được đáp ứng. Nên nỗi buồn lớn nhất đối với “một nửa dân số” trên thế giới này chính là sự cô đơn. Có thật vậy không ? (Ở đây xin phép được nói thêm: sau bài tản mạn “Mặt Tiền Nghệ Thuật” nửa năm trước,, chính Vũ Thanh Hoa trên trang Web riêng của chị, sau khi cảm ơn, đã chế giễu tôi là “thấy thơ tình nên tưởng tác giả còn …trẻ”. Chị tự nhận đã ngoài 40 mùa xuân)…

(Theo dấu nhà thơ, trang 143-147)

VÕ CHÂN CỬU

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu