VTH – Nói về sự khác biệt trong văn chương và nghệ thuật thì vô tận, tuy nhiên trong phạm vi một cuộc thảo luận nho nhỏ giữa những người bạn văn thân thiết thì mình chỉ có thế nói một chút thế này, trích ý kiến bổ sung của VTH cho nội dung cơ bản báo Sài Gòn GP (tại đây), Văn nghệ TW cùng một số trang VHNT đăng:

– Ý kiến nhà thơ Phan Hoàng cho rằng hiện tượng những bài thơ của các nhà Thơ trẻ hiện nay nếu cho vào chung 1 tuyển tập, không ghi tên cụ thể là ai thì sẽ không thể nhận ra từng người họ vì sự “na ná” nhau về phong cách và giọng điệu. Vậy phải chăng cần báo động về sự giống nhau củanhững nhà thơ trẻ đương đại?
Riêng với VTH thì không cho đó là mối nguy cơ. Bởi lẽ, nếu nhìn vào giai đoạn thơ trước đây, cụ thể là Thơ thời chiến tranh, nếu giả sử ta bỏ chung một số bài thơ chống Mỹ của các tác giả tiền bối cùng với nhau mà không ghi tên người viết thì cũng khó nhận ra từng gương mặt họ. Vì đó là tiếng nói chung của một thời đại đang sống, là diện mạo chung của một thế hệ. Ở đây là thế hệ thơ của sau những năm 2000, của các nhà thơ lứa 8X-9X. Nhận diện được hẳn một dòng thơ, một đặc trưng thời đại thì đó lại là mừng. Đừng bắt những người trẻ phải sống khác hiện thời của mình, viết những giọng điệu xa rời cuộc sống. Còn họ viết hay đến đâu, bế tắc hay đơn điệu thì lại là vấn đề khác. Tôi đọc rất nhiều thơ của các bạn trẻ bây giờ và nhận thấy họ rất sáng tạo, quyết liệt, lãng mạn và đầy trăn trở. Đừng nghĩ trong những câu chuyện nho nhỏ về tỏ tình hay thất tình, những kỉ niệm vu vơ của tuổi trẻ là vô nghĩa, là “không yêu nước thương nòi”, đó là quan niệm cũ kỹ. Trong chiếc lá hay hạt cát, trong những giọt lệ cô đơn, trong ráng chiều buồn bã chứa đựng trái tim người viết hướng tới quê hương, là hơi thở thời họ đang sống. Đề tài của văn chương đa dạng nhưng vẫn là những điều cơ bản không tách rời cuộc đời, quan trọng là tài năng người viết đến đâu.
Với đoàn nhà văn, nhà thơ trẻ tp Hồ Chí Minh tháng 10/2014
Ý thức về sự riêng biệt tôi nghĩ đó chính là phẩm chất của người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Khi bạn viết, bạn đã mang sẵn trong đó lòng tự trọng, trách nhiệm trước tác phẩm của mình. Không thể sao chép, đánh cắp ý tưởng hay sự lao động của người khác! Và đó chính là động lực để bạn đi tìm niềm kiêu hãnh cho mình – sự khác biệt.
Những người viết trẻ bây giờ thường không kiên trì theo đuổi con đường văn chương. Có thể ngày trước, danh xưng nhà văn gọi được xã hội trọng vọng hơn, dù có thể sự kính trọng ấy mang tính hình thức. Ngày nay, cuộc sống thực dụng nhiều, những người trẻ tuổi có nhiều nghề nghiệp khác để chọn lựa, sự cởi mở về văn hóa hội nhập cũng đòi hỏi tài năng của nhà văn cần khẳng định hơn thay vì chỉ bó hẹp trong thời kì văn chương định hướng và kiểm duyệt, do đó nhà văn, nhà thơ trẻ dễ rơi vào trạng thái bế tắc, hoang mang và chết yểu.
Dù thế nào đi nữa tôi vẫn rất hi vọng vào thế hệ viết trẻ, tin tưởng họ mở ra một con đường mới thú vị và đáng kể hơn cho văn chương Việt.
13.10.2014
VŨ THANH HOA
(Ý kiến nhỏ trong buổi tọa đàm Viết trẻ và Ý tức về sự riêng biệt)

Vào nửa đầu tháng 10-2014, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức một trại sáng tác văn học tại Vũng Tàu, trong đó diễn ra cuộc tọa đàm mini thú vị “Văn trẻ ý thức về sự khác biệt”.
Nhà thơ Phan Hoàng mở đầu tọa đàm, khái quát: Chưa bao giờ lực lượng viết văn trẻ xuất hiện đông đảo như hiện nay, đặc biệt là ở TPHCM. Mỗi người khi bắt đầu cầm bút đều viết bằng bản năng, sau đó mới tìm sự khác biệt cho con đường văn chương của mình. Tuy nhiên, không phải bạn văn nào cũng có ý thức tìm kiếm sự khác biệt mà chỉ loay hoay lặp lại những cái cũ, từ đề tài đến nghệ thuật biểu hiện. Lặp lại của người khác là điều bắt buộc phải tránh, lặp lại chính mình càng nhàm chán hơn.
Có không ít bạn viết, nhất là lĩnh vực thơ, cách thể hiện khá giống nhau, nếu gộp thơ của họ vào chung một tập, không để tên tác giả thì cứ ngỡ là do một tác giả viết. Ấy là nỗi đau của người cầm bút. Mỗi nhà văn cần ý thức tìm cho mình con đường sáng tạo riêng, không gian thẩm mỹ riêng và luôn luôn phải tự đổi mới, nâng tầm mình lên.
Nhà thơ Phan Hoàng (bìa phải) khái quát về văn trẻ tại tọa đàm.
Nhà thơ Ngô Liêm Khoan, tác giả của tập thơ mới Những tấm ván trên cầu Hiền Lương đang được dư luận quan tâm, cho rằng, nói đến sự khác biệt là nói tới ý thức về sự khác nhau trong lao động sáng tạo. Vì sao văn học Việt Nam vẫn chưa sánh được với những nền văn học lớn trên thế giới? Có lẽ chúng ta chưa tạo nên sự khác biệt, chưa xem văn học là một khoa học, chưa tích hợp được kinh nghiệm sáng tác từ những tác phẩm lớn để “phát minh” ra con đường mới cho mình. Văn trẻ chủ yếu chưa thoát những đề tài vụn vặt, chưa quan tâm đến những vấn đề mà đời sống xã hội đang đòi hỏi ở chúng ta.
Là tác giả trẻ vừa trình làng tập Thơ tình với Sài Gòn, nhà thơ Ngô Thị Hạnh chia sẻ, chị đến với thơ tự nhiên như đến với tình yêu. Với văn xuôi, sự lựa chọn dễ hơn, còn với thơ tìm được con đường riêng thật khó, đòi hỏi phải có cảm xúc, tức phải có tình cộng với tứ và tìm phương cách thể hiện. Những người làm thơ có thể viết giống nhau về đề tài nhưng phải khác nhau về cách thể hiện.
Nhà văn Nguyễn Hồng Lam thì thổ lộ, anh luôn tự vấn vì sao mình nhanh chán mình. Theo anh, các nhà văn thế hệ trước thiên về kể chuyện, còn các bạn văn sau này thì giảm kể chuyện nhưng viết rất lan man, chủ yếu nói về cá nhân mình, người đọc ít tìm thấy hình ảnh và sự đồng cảm của họ trong đó. Nhiều nhà văn nước ngoài viết về những đề tài giản dị nhưng đọc thấy hay và gần gũi, còn các nhà văn Việt Nam viết về đề tài nước mình nhưng đọc thấy xa lạ, đôi khi phản cảm. Anh từng theo đuổi đề tài giang hồ và viết dưới dạng ký sự vì anh quan tâm đến những số phận bên lề nhưng có cuộc sống đến tận cùng.
Là một gương mặt thơ tiêu biểu của Vũng Tàu thời gian gần đây, nhà thơ Vũ Thanh Hoa cảm nhận, các bạn thơ trẻ không phải ai cũng giống nhau. Hình thức chỉ là bề nổi, cái quan trọng là nội dung và cách thể hiện mới lạ để tạo sự khác biệt. Tuy nhiên, có thể do hoàn cảnh sống, nhiều bạn thơ trẻ chỉ chợt lóe sáng rồi lịm tắt. Dù đề tài vụn vặt đời thường nhưng viết cho hay thì sẽ nâng thành tầm tư tưởng. Người viết phải tự trọng, biết xấu hổ khi viết giống nhau, nên phải tự đổi mới mình…
Nhà văn, nhà báo Tiểu Quyên nhìn nhận, chị từng nghe nhiều câu hỏi: Bạn bị ảnh hưởng bởi ai, phong cách sáng tác nào? Và chị không thích bạn văn trẻ nói: Tôi bị ảnh hưởng bởi nhà văn A, B, C mà mong câu trả lời: Có thể thích nhà văn này hay thần tượng nhà văn khác, nhưng khi viết, phong cách đó là của tôi, do tôi lựa chọn. Ở vai trò nhà báo, chị từng đề cập đến những vấn đề của văn chương trẻ, là cái tôi nhỏ bé, những trang viết na ná nhau, tản mạn cá nhân, thiếu lý tưởng và tầm vóc thời đại…
Nhưng ở góc độ người viết trẻ, chị thấu hiểu và sẻ chia với những giới hạn của họ. Có lúc văn trẻ bị đánh giá là “ăn xổi”, “nổi tiếng thời vụ” và rồi từ đó cứ bị đánh đồng rằng văn trẻ không có dấu ấn, không tạo được sức bật. Nói thế là không công bằng khi mạch ngầm sáng tạo vẫn âm ỉ và người trẻ đang dần nỗ lực khẳng định mình.
Còn theo nhà thơ Phan Trung Thành, điều quan trọng không chỉ là đề tài mà cần đầu tư cách thể hiện, từ trang viết đến việc xuất bản sách. Cầm tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương của Ngô Liêm Khoan mới thấy tác giả đầu tư công phu như thế nào, từ hình thức đến nội dung. Viết về gió Tuy Hòa, gió miền Trung có nhiều nhà thơ đã viết nhưng khi đọc bản thảo tập Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng mới thấy rõ sự khác biệt, cái gió khắc nghiệt ấy ẩn chứa sâu sắc bao số phận con người và nỗi niềm lịch sử…
Các bậc đàn anh chẳng thể ngồi im lắng nghe như dự định ban đầu mà cũng đã góp tiếng nói vào cuộc tọa đàm “Văn trẻ ý thức về sự khác biệt”. Nhà thơ Phạm Minh Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng trước đây thơ thường mượt mà, trau chuốt, bóng bẩy đến nhàm chán. Chữ nghĩa giản dị, bình thường gắn với đời sống nhưng chuyển tải được những vấn đề có giá trị văn hóa. Ông nói rằng mình ủng hộ mọi hình thức thơ trẻ, nhưng điều quan trọng phải viết cho… tới, cho hay.
Nhà văn Trần Văn Tuấn vốn làm thơ trước khi viết văn. Theo ông, lý luận như rừng rậm, nếu người viết chưa có trải nghiệm sống thì khó nắm bắt được lý luận. Văn thơ chỉ có hay và không hay, giống như công nghệ thông tin chỉ có hai phần cứng và mềm. Có cái hay mà mọi người đều tôn vinh, như Truyện Kiều. Có cái hay theo từng đối tượng. Nhưng muốn hay thì phải trung thực với lòng mình, biến cái lạ thành quen. Văn chương cần có nghệ thuật khác biệt nhưng khác biệt đến cực đoan thì dễ rơi vào bế tắc. Những trò giả vờ chỉ có thể lừa vài người, chứ không thể tồn tại bền lâu.
HÀN PHONG
Nguồn SGGP
Văn chương là cái nghiệp (nghiệp chướng cũng vậy).
Dan díu với văn thơ thì chỉ khổ luỵ mà thôi.
Hãy làm kỹ thuật hay kinh doanh gì đó kiếm thật nhiều tiền mà xài.
Thì giờ rảnh thì đi chơi, đi nhậu, đi đâu thì đi cho nhẹ cái đầu, khoẻ cái xác.
Quả thật văn chương là cái ngiệp thật.
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
( Nguyễn Du)
Trong buổi lễ trao giải Nobel văn học, cố văn sĩ William Faulkner đã gửi một thông điệp đến cà nhà văn tẻ, trong đó có đoạn:
http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1949/faulkner-speech.html
‘I believe that man will not merely endure: he will prevail. He is immortal, not because he alone among creatures has an inexhaustible voice, but because he has a soul, a spirit capable of compassion and sacrifice and endurance. The poet’s, the writer’s, duty is to write about these things. It is his privilege to help man endure by lifting his heart, by reminding him of the courage and honor and hope and pride and compassion and pity and sacrifice which have been the glory of his past. The poet’s voice need not merely be the record of man, it can be one of the props, the pillars to help him endure and prevail.’
Tôi tin rằng con người không chỉ chịu đựng đau khổ; con người sẽ chiến thắng đau khổ. Con người là bất diệt, không phải vì con người là sinh vật có tiếng nói truyền từ đời này sang đời khác không bao giờ tắt, mà chính vì con người có linh hồn, có tâm hồn bác ái, và hy sinh và chịu đựng đau khổ. Bổn phận các nhà văn, các nhà thơ là nói lên những điều này. Bổn phận của các nhà văn, nhà thơ là giúp con người vượt lên nỗi đau để đến với yêu thương bằng cách nhắc nhở con người về lòng quả cảm, và danh dự, và niềm hy vọng và niềm tự hào và lòng bác ái và sự thương xót và lòng hy sinh đã là quá khứ huy hoàng của con người. Tiếng nói của nhà thơ không chỉ đơn thuần nhai đi nhai lại, tiếng nói của nhà thơ phải là phương tiện, là trụ cột giúp con người chịu đựng những hy sinh, mất mát và chiến thắng đau khổ.
___________________
Chịu đựng đau khổ có nghĩa là phải chịu đựng tù đày như các bác Điếu Cày Nguyến Văn Hải, nhà văn Nguyến Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, nhà báo Tạ Phong tần, nhà báo Trương Duy Nhất, nhạc sĩ Việt Khang….. vân vân và vân vân….nhiều lắm.
Chịu đựng đau khổ lẽ cố nhiên được công luận trên toàn thế giới kính trọng và ngưỡng mộ, không riêng gì ở Việt nam.