Mặc dù mới 11 tuổi nhưng những nét vẽ của Nguyễn Đới Chung Anh, lớp 5E trường Tiểu học Nam Thành Công với chủ đề về đại dịch Covid-19 đã khiến cho ông Lutz Backes – nhà thiết kế logo của thương hiệu thời trang nổi tiếng Puma ngỏ lời mời đưa những bức tranh này sang Đức để tổ chức triển lãm.
Chúng tôi tới nhà Nguyễn Đới Chung Anh ở một con nghách ở đường Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) khi cô bé vẫn đang trong thời gian nghỉ học vì dịch Covid.
Cô bé 11 tuổi đang cặm cụi bên giá vẽ để hoàn thành nốt bức tranh thứ 19 vẽ về đại dịch Covid-19 của Ấn Độ cùng với biến thể Delta đang đe dọa mạng sống của nhiều người dân. Trong căn phòng của Nguyễn Đới Chung Anh, xung quanh là các tác phẩm em đã hoàn thành với những câu chuyện khác nhau về đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và thế giới. Mỗi bức tranh của em đều đầy ắp màu sắc của tuổi thơ nhưng cũng không kém phần suy tư của một người trưởng thành.
Nói về sự ra đời của bộ tranh được giải, Chung Anh cho biết: Đó là do những ngày đầu tiên sau khi nghỉ Tết, em đã không được đến trường vì dịch bệnh. “Con đã rất lo lắng sau khi nghe các tin tức trên tivi, và con đã vẽ ra giấy những gì con nghĩ đến. Đó là câu chuyện ở những đất nước đầu tiên có Covid-19. Các bạn nhỏ ở nước đó cũng bị ảnh hưởng như chúng con” – Chung Anh kể – “Lúc đầu con vẽ 1 rồi 2, rồi 3 bức… con không nghĩ đến bây giờ con đã có 14 bức tranh nói về đại dịch này”.
Chia sẻ về việc chọn chủ đề cho những bức tranh của mình, Chung Anh cho biết: “Covid-19 khiến em và các bạn phải nghỉ học, nhiều nơi phải đóng cửa và nhiều người chết. Tuy nhiên em vẫn vẽ về Covid-19 vì em mong dịch sẽ nhanh qua và mọi người được chữa khỏi”
Tranh của Nguyễn Đới Chung Anh đã được giải đặc biệt của UNICEF trong chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”. Tại cuộc trao giải này, Chung Anh đã có cuộc gặp gỡ với bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam. Bà đã rất bất ngờ và ấn tượng với những bức vẽ của Chung Anh và cho biết: Nếu không gặp và không đọc về thông tin về Chung Anh, sẽ không ai nghĩ đó là những bức tranh ấy được vẽ bởi từ một cô bé 10 tuổi. Sau đó, UNICEF đã dùng bức tranh của Chung Anh làm ảnh chính trên trang web của họ tại Việt Nam. Bức tranh Vòng quay ánh sáng cũng được lựa chọn để làm bìa cho cuốn sách về các tác phẩm cũng như những bức kí hoạ của chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” của UNICEF, kết hợp với Bộ Y tế và Công ty Nhã Nam để ấn hành.
Con nhà nòi nhưng tự tìm tòi cách vẽ
Nguyễn Đới Chung Anh sinh ra trong một gia đình có cả bố và mẹ trong ngành mỹ thuật. Vì thế, khi biết em vẽ tốt, ai cũng nghĩ ngoài việc thừa hưởng gen của cha mẹ, Nguyễn Đới Chung Anh hẳn phải được bố mẹ dạy dỗ, bồi dưỡng, “truyền nghề” cho từ bé.
Trong gia đình, mẹ là người đầu tiên phát hiện ra Chung Anh có năng khiếu. Chung Anh kể: “Mẹ đã ủng hộ và khích lệ con vẽ những gì con thích. Mẹ đã mua cho con rất nhiều bút màu, nhiều loại chất liệu khác nhau để con có thể thỏa sức sáng tạo. Mẹ cho con đi mua sách, rồi cho con xem rất nhiều những thứ hay và đẹp để giúp con có nhiều trí tưởng tượng hơn”.
“Bố mẹ luôn nhắc nhở con: Muốn trở thành hoạ sỹ vẽ tranh giỏi thì con phải dành thời gian cho nó mỗi ngày, ít nhất là 1 tiếng” – cô bé kể thêm – “ Mặc dù đi học có nhiều bài và cả tuần, nhưng con vẫn cố mỗi ngày làm bài tập về nhà xong, con sẽ vẽ. Con có thể vẽ tranh to, hoặc có thể chỉ vẽ những điều con thích ra mẩu giấy nhỏ…”
Nhưng theo chị Đới Xuân Hiếu (mẹ của Nguyễn Đới Chung Anh) thì cô bé bộc lộ khả năng về mỹ thuật của mình từ rất sớm. Mọi cách vẽ, phối màu đều do Chung Anh tự tìm hiểu, mày mò… Duy nhất chỉ một lần Chung Anh được bố mẹ dạy cho cách bố cục, làm nổi chủ đề muốn thể hiện trên tranh.
“Khoảng 3 tuổi con đã vẽ theo các hình con vật mà con yêu thích. Đến khi học mẫu giáo, con thường được các cô khen là rất có năng khiếu về mỹ thuật. Nhưng chỉ đến khi bắt đầu vào lớp 1 thì con mới thực sự vẽ những bức tranh không theo đề tài hoặc gợi ý của các cô giáo” – chị Đới Xuân Hiếu nói – “Bố con là người rất yêu nghệ thuật và làm việc rất nghiêm túc. Vì thế con cũng sớm học được sự nghiêm túc khi thực hiện các ý tưởng của mình lên giấy”.
Chung Anh cho biết thêm: “Mơ ước của con bây giờ và tương lai là con sẽ trở thành một họa sỹ. Vì khi vẽ tranh, con được sống trong thế giới của mình, không có giới hạn về tưởng tượng và con muốn vẽ thật nhiều những bức tranh đẹp cho cuộc sống tươi đẹp hơn”.
VTH tổng hợp