Nắng cuối trời (41) – Vũ Thanh Hoa

>> Nắng cuối trời (40) – Vũ Thanh Hoa

Nắng cuối trời

Truyện dài kỳ

41. Cô y tá chỉ dẫn cho Trang phòng chị Ngọc đang nằm, một căn phòng riêng ở khu VIP. Trang rùng mình khi nhìn thấy màu trắng toát của không gian bệnh viện, những y bác sĩ đi lại với khuôn mặt đóng băng trong bộ đồng phục trắng, những người thân mòn mỏi nuôi bệnh và những bệnh nhân xanh xao, tàn tạ…“Ôi, không biết bao giờ đến lượt mình đây?”

Nàng chỉ kịp nghĩ đến vậy thì cánh cửa phòng bệnh bật mở. Chị Ngọc nằm trên giường trắng, mặt tái nhợt, bên cạnh chị chỉ có chiếc xách tay nhỏ vẫn dùng hàng ngày, không thấy đồ đạc gì thể hiện sự chuẩn bị nhập viện. Trang chưa kịp nói gì thì chị đã nhỏm dậy:

– Em à, vào đây, vào đây…

– Sao thế này, chị?

Trang kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh giường chị Ngọc, ra hiệu ý bảo chị cứ nằm nghỉ. Chị Ngọc nằm xuống, vươn tay kéo tay nàng, thì thào:

– Chị không còn nhiều thời gian đâu, giai đoạn cuối rồi nhưng còn nhiều việc dở dang quá…

– Nghĩa là sao hả chị? Giai đoạn cuối là thế nào?

Có lẽ từ khi biết chị Ngọc đến giờ, nàng mới thấy được vẻ yếu ớt, đáng thương mong manh của chị thế này. Chị Ngọc rơm rớm nước mắt nói:

1 (223)

– Chị bị ung thư vú đã hai năm nay mà không nói với ai, vẫn âm thầm chữa chạy. Đến giờ thì không thể cầm cự được nữa mà em biết đấy, một cán bộ lãnh đạo không bảo đảm về sức khỏe sẽ là một tín hiệu vui cho đối thủ mà chị thì quá nhiều đối thủ nên…

Chị Ngọc dừng lại để ho, trông chị xuống sắc thê thảm, lúc này nhìn chị không phải là người đàn bà ở tuổi năm mươi nữa mà như đã gần bẩy mươi. Trang rất hiểu nỗi lòng chị. Chị làm gì có ai ở cơ quan để tâm sự, sẻ chia. Đó là nơi chị luôn phải gồng lên với bộ mặt kiêu hãnh, công việc hoàn hảo và sức khỏe loại ưu. Thế thì mới đủ điều kiện để nhiều năm giữ trọng trách béo bở là nhận người vào làm việc hay là cho người ta thôi việc. Chị khắt khe, tàn nhẫn từng li từng tí khi tuyển dụng những đứa trẻ thì chị cũng không thể để lộ chân tướng bản thân mình đã rữa mục, tàn phế. Bi kịch, bi kịch! Quả báo! Trang thở dài. Nàng hỏi:

– Chị có báo tin cho gia đình biết chưa? Em giúp gì được ạ?

Vẻ mặt chị Ngọc đầy bối rối. Chị lảng tránh một lúc, rồi mới thổ lộ:

– Chị và ông xã li thân lâu rồi, chẳng chia sẻ với nhau điều gì, con gái thì đi du học mấy năm ở nước ngoài, cũng không muốn nó lo lắng…

– Chị không cho ai biết cả sao?

– Chị có nói với anh V.

Trang im lặng, nàng nhớ lại mọi người trong công ty vẫn xầm xì hành lang về mối quan hệ của chị Ngọc với giám đốc V nhưng mà là chuyện lâu rồi, giờ thiên hạ đã chuyển hướng sang những cô trẻ đẹp khác. Thì ra “tình xưa nghĩa cũ” vẫn còn sâu đậm vậy. Chị Ngọc không thấy nàng nói gì, kể tiếp:

– Khi anh V về làm lãnh đạo công ty, chị chỉ là con bé bán hàng ở một hợp tác xã thương nghiệp, ông chồng chị vốn là một thương binh xuất ngũ. Anh V đã giúp đỡ hai vợ chồng chị chuyển về công ty, ông xã chị được làm đội trưởng đội bảo vệ còn chị thì làm cán bộ tổ chức. Thế rồi… tình cảm của chị và anh V cứ thế mà gắn bó dần theo năm tháng…

Trang vẫn chẳng nói gì. Những điều chị Ngọc tâm sự chẳng cần nghe cũng đoán trước lâu rồi. Thủ đoạn chiếm đoạt nhân viên nữ của giám đốc V bao năm qua cho đến nay cũng chẳng có gì “sáng tạo”. Mà “nhân viên” nữ dạng này cũng có phải bị cưỡng bức gì cho cam, cũng “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu” cả thôi. Một đều mà. Thấy Trang cứ lặng thinh, chị Ngọc càng được đà “mở lòng”, không hiểu sao chị lại chọn nàng lúc này để “tự thú” nhỉ?

– Em biết đấy, hồi ấy chị là người phụ nữ ngoài hai mươi tuổi trình độ văn hóa có hạn, lại lấy ông chồng vốn là một bệnh binh nên cũng khao khát, thiếu thốn… Chị và anh V có nhiều kỉ niệm, anh ấy cũng giúp đỡ chị nhiều việc…

– Nhưng bây giờ bệnh đã đến thế này, chị phải báo cho người thân chứ, anh V cũng chẳng thể thay thế gia đình mình được. – Trang ngắt dòng tâm sự.

Chị Ngọc rơm rớm nước mắt. Lọt thỏm giữa cái giường trắng toát, “người đàn bà thép” nổi tiếng ghê gớm, uy quyền bấy lâu nay trong công ty cũng tiều tụy, thảm hại, đáng thương như bất kỳ người bệnh nào khác.

Chỉ hôm qua thôi, quanh chị đầy những “người bạn” tỏ vẻ thân thiện, đáng yêu, quan tâm, chăm sóc. Hôm nào chị mặc bộ áo dài mới, cái đầm mới, làm kiểu tóc mới là lập tức được các “fan hâm mộ” cuồng nhiệt “cảm nhận”. Thôi thì đủ mọi quan điểm, ý kiến; đồng thuận cũng có, trái chiều cũng có, cơ mà đầy thân thương và chân thành! Nhưng có bao nhiêu ý kiến thì rốt cuộc thể nào cũng là ngợi khen chị là “Quý bà” sang trọng, phúc hậu, sành điệu, trẻ đẹp bất chấp thời gian…v…v… Chị cứ nghe mãi như thế, nghe hết người này qua người khác, hết ngày này qua ngày khác, riết rồi chị tin đó hẳn là sự thật hiển nhiên. Đứa nào “vô duyên, ngu ngốc” nói  không giống như thế thì cứ gọi là “liệu hồn”với chị nhé!

Những thằng “chuyên gia nịnh” trong công sở nếu dày công nghiên cứu một cách bài bản các phương pháp nịnh để áp dụng một cách “khoa học và thiết thực” thì phải biết sự khác biệt giữa việc lấy lòng Quan Ông và Quan Bà là như thế nào. Chỉ mấy thằng đần mới tưởng cứ “nịnh thối”, đưa phong bì là đơn giản như “đang giỡn”. Khen ngợi và hối lộ để sếp vui, để sếp “duyệt” là cả một nghệ thuật lớn, đòi hỏi những kỹ nghệ bài bản và chuyên nghiệp mà những diễn viên được đào tạo, tôi luyện trong môi trường công quyền đương thời được mặc sức “trổ tài” tung hoành trên một đất diễn rộng lớn…

– Nhưng trước khi báo cho cả nhà chị, chị muốn nhờ em việc này, chị thương em lắm em gái à…

Trang thở dài. Trời đất! Lúc quan bà khỏe mạnh, đầy bổng lộc, bao đệ tử săn đón thì chẳng thấy bà tha thiết tình cảm với bất cứ một nữ nhân viên nào trong cơ quan, tưởng như bà chỉ muốn đuổi hết bọn đồng nghiệp mang giới tính nữ đi chỉ để bà duy nhất ở đó mà thu hút, quyến rũ cánh mày râu công sở, từ mấy lão trán hói, bụng phệ cho đến ba cái thằng oắt con mặt còn búng ra sữa. Lòng dạ hẹp hòi, thiển cận của người đàn bà gốc gác nhà quê ít học có quyền hành trong tay sao mà đáng sợ! Bây giờ chị đã sức tàn lực kiệt, chị lại trở giọng đến khó tin… Nhưng dù thế nào, Trang vẫn thấy chạnh lòng. Cũng là phụ nữ cùng bệnh tật, bất hạnh như nhau trong đời sống riêng. Thôi thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, nàng cũng không muốn nhớ lại những ngón đòn hiểm bao năm qua chị Ngọc đã tung ra với những đồng nghiệp nữ. Xét cho cùng thì cũng không phải có mình quan bà này ác, quan bà này hiểm, quan bà này tráo trở, chúng một giuộc cả mà! Nàng dịu dàng bảo chị Ngọc:

– Vâng, chị cứ nói, em nghe đây…

(Còn tiếp)

Vũ Thanh Hoa

>>Nắng cuối trời (42) – Vũ Thanh Hoa

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu