Sức sống trường tồn của cải lương Nam bộ – Vũ Thanh Hoa

VTH – Ba tôi là người Nam Bộ nên từ nhỏ tôi đã mê đắm làn điệu cải lương.  Mời bạn đọc bài viết của VTH về cải lương Nam Bộ trên báo Bà Riạ Vũng Tàu tại đây:

SỨC SỐNG TRƯỜNG TỒN CỦA CẢI LƯƠNG NAM BỘ

Ba tôi người gốc Nam bộ, dù tập kết ra Bắc và nhiều năm làm công tác ngoại giao ở nước ngoài nhưng đi đến đâu ông cũng luôn đem theo nhiều băng nhạc (thời đó là băng cassette). Trong số ấy có nhiều băng nhạc cải lương, tuồng vọng cổ nổi tiếng như: Bao công xử án Quách Hòe, Chuyện tình Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn…

Khi còn nhỏ, tôi thường chỉ nghe cải lương cùng ba như một thói quen nhưng rồi không biết tự lúc nào, đã say mê “chất phóng khoáng đặc trưng của vùng đất miền Tây Nam bộ” qua những giọng ca “mùi mẫn” lừng lẫy một thuở: Út Trà Ôn, Thanh Nga, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thành Được, Minh Phụng, Trọng Hữu, Minh Vương…

Cố NSUT Thanh Nga được mệnh danh là  Nữ hoàng sân khấu của miền Nam Việt Nam
Cố NSUT Thanh Nga được mệnh danh là “Nữ hoàng sân khấu” của miền Nam Việt Nam.

Nghe hát cải lương rồi xem diễn cải lương để được các nghệ sĩ dẫn dắt bằng  những câu vọng cổ luyến láy bổng trầm từ khi “nói lối” rồi đưa đẩy ngân nga cho tới lúc “xuống hò”, khán thính giả sẽ vỗ tay đầy háo hức cho dàn nhạc “vô đờn”. Đó cũng là một cách thưởng thức riêng biệt và văn minh của bộ môn nghệ thuật này. Người hâm mộ thuộc vanh vách từng lối ca, cách nhấn nhá riêng của mỗi nghệ sĩ cải lương, đến nỗi chỉ cần nghe họ “rao” vài lời đã biết chắc là danh ca nào.

Cải lương là một loại hình kịch hát hình thành trên cơ sở dòng nhạc đờn ca tài tử và dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long, nhạc tế lễ. Ngay từ lúc mới ra đời, cải lương đã chịu ảnh hưởng có tính quyết định của hai dòng sân khấu: sân khấu tuồng truyền thống của Việt Nam và sân khấu kịch hiện đại của Pháp. Khởi đầu, từ những hình thức ca nhạc thính phòng, tiến tới các diễn xướng, vừa hát, vừa biểu diễn bằng động tác để minh họa, gọi là ca ra bộ. Trong tiến trình hoàn thiện và phát triển, cải lương đã trải qua những thể nghiệm đổi mới về âm nhạc, dàn nhạc. Cải lương không dùng bộ gõ như tuồng, chèo mà dùng đàn ghi-ta phím lõm và đàn nguyệt là hai nhạc cụ chủ đạo. Tiếng đàn phải có đủ “trầm, bổng, khoan, nhặt”. Ghi-ta phím lõm giữ vai trò chủ yếu trong dàn nhạc cải lương vì khả năng truyền tải phong phú về cung bậc, lại có thể luyến láy do phím móc sâu. Ca cải lương còn có sự hỗ trợ của  piano, saxo, clarinette, trống, ghi-ta điện và đàn organ.

Ở Nam bộ, kể cả dân gốc gác hay những người lưu lạc tứ xứ, đều nằm lòng lời vọng cổ sáu câu, nhất là bài “Dạ cổ hoài lang” – bài nòng cốt trong 20 bài tổ của đờn ca tài tử và ca nhạc cải lương. Ca nhạc tài tử cũng mang đủ bốn điệu: bắc, hạ, nam, oán; và bốn hơi: xuân, ai, đào, ngự, chia ra 3 nam, 6 bắc, 4 oán, 7 bài (ngự)…. Vẫn bản nhạc đó, người ta chỉ thay lời là phù hợp với mọi hoàn cảnh: quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình. Vì thế, nó tồn tại và phát triển hàng thế kỷ nay.

Tại miền Nam, thập niên 60 là thập niên hưng thịnh nhất của cải lương miền Nam khi cải lương lấn át cả tân nhạc. Các sân khấu cải lương thu hút đông khán giả đến xem hàng ngày, một vở tuồng được nghe ít nhất năm, sáu lần, nhờ đó các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc và một số ca sĩ tân nhạc phải tìm cách chuyển nghề sang hát cải lương để tìm kiếm thành công.

Cố NSND, soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là vua Cải lương.
Cố NSND, soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là “Vua Cải lương”.

Trong số các tác giả cải lương, không thể không nhắc đến những soạn giả nức danh một thời như soạn giả Viễn Châu (Chuyện tình Lan và Điệp, Sau bức màn nhung, Nát cánh hoa rừng, Hoa mộc lan…). Ông được mệnh danh là “Vua của các vị vua cải lương” hay “là người tạo danh cho các nghệ sĩ”, điển hình là nghệ sĩ Mỹ Châu với bài “Hòn vọng phu”, NSND Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu”… Một số bài vọng cổ hài hước của ông cũng đã làm nên tên tuổi các nghệ sĩ như Văn Hường, Hề Sa… Soạn giả Trần Hữu Trang với các tác phẩm: Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Khi người điên biết yêu… Đặc biệt, vở “Đời cô Lựu” của ông đã được các nghệ sĩ của nhà hát Trần Hữu Trang biểu diễn năm 1984 với 71 xuất diễn cho 45.000 người xem tại các nước Tây Âu. Đây là những con số rất ấn tượng đối với nghệ thuật cải lương. Soạn giả Kiên Giang thì có các tác phẩm: Người vợ không bao giờ cưới, Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa… Trong đó, “Người vợ không bao giờ cưới” đã giúp cố nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải thưởng Thanh Tâm – “Nữ nghệ sĩ cải lương xuất sắc nhất” do nhật báo “Tiếng Dội” tổ chức. Nghệ sĩ Thanh Nga cũng từ đó trở thành một ngôi sao trong giới nghệ sĩ cải lương.

Trải qua nhiều biến đổi, cải lương ngày nay vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc trong trái tim những người mộ điệu. Những cuộc thi hát cải lương: Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng hay Tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần… trên các đài truyền hình khu vực Nam bộ luôn thu hút nhiều thí sinh. Trong đó, nhiều thí sinh dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã sớm bộc lộ giọng ca ngọt ngào, kỹ thuật ca tốt, làn hơi khỏe để thể hiện xuất sắc nhiều tác phẩm ở cả thể loại bài bản hay vọng cổ. Bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của loại hình đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ cũng là một trong những mục đích lớn nhất mà những cuộc thi này hướng tới.

 VŨ THANH HOA
Nguồn Báo Bà Riạ Vũng Tàu 

1 comment

  1. Anh ít khi đọc những bài bình luận về ca hát, nhưng bài viết này của em rất sâu sắc, đủ tầm vóc khiến người đọc nắm bắt được về vọng cổ miền Nam, những biến thiên của vọng cổ qua thời gian, và những nghệ sĩ đã qua nhưng còn sống mãi. Với những dòng chữ tóm tắt nhưng đầy đủ cho thấy em là tiếng hát, tiếng đàn gợi nhớ không gian và thời gian. Hoan hô VTH nhiều. Những hoàn cảnh sống và kinh nghiệm nghe thấy của em là tái sản quý báu của nghiên cứu bình luận rất giá trị.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu