VTH – Không phải trên các tấm băng-rôn hay những tượng đài cao lồng lộng, sự hi sinh vĩ đại mà thầm lặng của người lính gần gũi và giản dị trong ký ức những người mẹ, người vợ, người con dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm… Là một cán bộ công tác trong ngành Dầu khí, chị Nguyễn Thị Thu Hiền cũng có một người cha yêu đã tình nguyện đi B và mãi mãi ở lại chiến trường. Mời bạn đọc chút cảm xúc của chị đã được đăng trên facebook khi ngày 27/7 đang về…
Cảm xúc tháng 7
Hầu như ai cũng muốn kỷ niệm ngày sinh nhật của mình với bánh ga tô, nến lung linh, những bó hoa rực rỡ và vô vàn những lời chúc từ nhưng người thân yêu của mình… Nhưng với tôi, tháng 7 không chỉ là sinh nhật mà tháng 7 còn gợi lại ký ức đong đầy kỷ niệm đi theo suốt cuộc đời tôi, Ngày 27-7 – Ngày mà cả nước kỷ niệm tôn vinh những anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ sau thắng trận trở về đầy vết tích chiến tranh.
Ngay từ bé, tôi đã phải nếm vị đắng của của chiến tranh bởi cuộc chiến tranh chống Mỹ đả cướp đi người cha thân yêu của mình. Để rồi cứ đến những ngày này, gia đình tôi lại nhận những gói quà từ thiện của khắp nơi gửi đến. Nhưng hoài niệm về một người cha mà tôi không hề có khái niệm suốt 50 năm đã qua, mãi mãi chỉ là ước mơ…

Mẹ tôi kể, khi tôi chưa đầy 1 tuổi, chưa đủ lớn để nhớ mặt cha, chưa đủ lớn để nhớ mình bi bô tiếng gọi bố bố… thì bố tôi nhận lệnh đi B. Dẫu biết rằng hoàn cảnh mẹ già, gia đình nghèo khó đông con, bố tôi là con một được miễn ra chiến trường. Nhưng với tinh thần kháng chiến quyết liệt vì miền Nam ruột thịt, tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, bố tôi đã xung phong ra chiến trường B – nơi mà cuộc chiến tranh đang vô cùng gay go ác liệt dùbiết rằng có thể hy sinh thân mình cho tổ quốc. Lúc đó bố tôi là Đại úy CANDVT thuộc Bộ Nội vụ. Ngày tiễn bố tôi đi, chỉ có mẹ, bà nội và chị lớn của tôi còn nhớ, đó cũng là lần cuối cùng và mãi mãi bố tôi đã không trở về.


Rồi ngày bất hạnh ấy đã đến và tôi còn nhớ, lúc đó tôi khoảng 5 tuổi. Cả gia đình tôi phải rời thủ đô Hà Nội đi sơ tán (Tam dương – Vĩnh Phúc), vì máy bay Mỹ oanh tạc miền Bắc. Những đứa trẻ như chúng tôi chỉ biết nô đùa trên sân kho của hợp tác xã, vô tư và trong sáng bên cái xóm nghèo yên tĩnh giữa cuộc chiến tranh. Rồi sau đó , một buổi chiều bỗng có hai người đàn ông đến gặp mẹ tôi, đôi tay mẹ run rẩy khi cầm tờ giấy báo tử từ tay đ/c cán bộ Bộ Nội vụ mặc quân phục, đeo túi sa-cod Và mẹ chỉ đứng lặng, người như chết trân nhòa đi trong nước mắt, bà nội tôi đã gục ngã. Đôi mắt đen tròn ngơ ngác của đứa trẻ thơ chưa kịp hiểu gì, chỉ thấy bà nội và mẹ đẫm nước mắt đớn đau. Những ngày sau đó một màu trắng u buồn phủ kín trong ngôi nhà lá vách đất nơi sơ tán. Người cha thân yêu của chúng tôi đã hy sinh sau một trận oanh tạc của máy bay Mỹ tại chiến trường khốc liệt Phước Long cuối năm 1965. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, bố tôi đã đi mãi không bao giờ trở về.
Tưởng chừng không thể gượng dậy được, mẹ tôi nuốt những giọt buồn nghiệt ngã lao vào cuộc đời, một mình bươn chải cuộc sống đầy khó khăn của một thời chiến tranh, một thời bao cấp ăn ngô và bobo để nuôi mẹ chồng và 4 con thơ. Ba mươi năm sau, mộ bố tôi mới được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Ngọc hồi Hà Nội.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, có biết bao anh bộ đội, những thương binh trở lại với làng quê với gia đình cùng những giọt nước mắt vui mừng hạnh phúc và tự hào. Còn mẹ tôi, khắc khoải đợi chờ phép nhiệm màu nào đó xảy ra: hy vọng bố tôi có thể trở về…Năm tháng qua đi, niềm hy vọng cứ xa dần xa dần và…mãi mãi chỉ là giấc mơ. Mẹ cho chúng tôi xem 2 lá thư duy nhất mà bố tôi gửi về khi đang ở chiến trường. Với bí danh là Việt Thành, những lá thư gửi về cũng qua đường liên lạc bí mật nên rất khó khăn mẹ tôi mới có được những dòng yêu thương của chồng từ nơi chiến trận. Rồi cả những tấm hình mà bố tôi chụp trong thời gian học tập một năm tại Liên Xô từ năm 1961 và Cuốn nhật ký của bố tôi để lại mà mãi mấy chục năm sau chúng tôi mới có được. Những lá thư, những bức ảnh và trang nhật ký ngày ấy chính là những kỷ vật thiêng liêng của mẹ và minh chứng cho tình yêu bất diệt của cha.
“Chiến tranh”- hai tiếng đau thương và nghiệt ngã biết bao! Hàng triệu gia đình, những người mẹ mất con người vợ mất chồng và những đứa con mồ côi cha… và những đồng đội trở về với bao vết tích chiến tranh trên thân mình. Tổ quốc mãi ghi công các anh.
Dù đã qua đi, những gì chiến tranh bỏ lại vẫn là nỗi đau mãi còn đâu đó trên khắp miền quê của một đất nước nhỏ bé nhưng đã có những kỳ tích chống giặc ngoại xâm anh dũng hào hùng.
Ngày 27/7 năm nay, khắp nơi lại chuẩn bị lễ kỷ niệm, dâng hương và phát động phong trào “đền ơn đáp nghĩa”cho các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng cho nền độc lập của dân tộc, tôi chợt thấy lòng buồn man mác và lệ dâng tràn lên mắt… Bố ơi, dẫu con không còn nhớ được giây phút tiễn bố ra trận nhưng con cảm nhận được bố đang trở về trong rừng cờ, rừng hoa và trong màu áo xanh bất diệt! Xin được thắp những nén hương tưởng nhớ tới bố cùng nhưng đồng chí của mình đã nằm lại nơi miền xa thẳm rực rỡ màu hoa đỏ.
27/7/2013
Thu Hiền
Trong mục Cà phê sáng của VTV, nhà văn Chu Lai đã nói một câu cảm khái :
” Mày chết để cho tao sống, vậy thì tao phải sống cho ra con người.”
___________________
Người lính ở mọi thời gian và không gian thật đáng mến, họ hy sinh nhiều và tình cảm cũng rất nhiều.
Cũng như Thống tướng Douglas MacArthur đã nói:
” Người lính chỉ già chứ không bao giờ chết.”