VTH – Tôi đã đọc nhiều bài bình thơ của tiến sĩ Vương Cường, mỗi bài có cách bình thú vị riêng biệt nhưng tôi vẫn ám ảnh bài bình thơ “Ru Trắng” của anh nhất. Phải chăng vì anh hiểu sâu sắc về tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ? Hay bởi bài thơ Ru Trắng vốn là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo?
vuthanhhoa.net nghĩ rằng Bạn đọc mới chính là người lý giải thấu đáo nhất điều này:
Ru trắng – Tình yêu pha lê
( Đọc bài thơ RU TRẮNG CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO )
Đẹp quá! Không thể nói khác được, đầy mơ mộng và rất hiện thực. Tình yêu đạt đến đỉnh rồi mới có thể có những câu thơ dịu êm đến thế. Người ru cũng “bị” ru. Một bức tranh trắng nhòa trong lời ru ấy, một giai điệu mượt mà êm dịu, vui tươi, hơi lạnh nhè nhẹ bay lên:
Choàng lên thân thể em mây trắng dệt nghìn năm lụa trời non nõn trắng
Em bồng bềnh thức ngủ phía anh ru
Thơ hay thường mới, lạ và đẹp trong từng chữ, từng lời, ý tứ sâu sắc. Nhưng ở câu “Em bồng bềnh thức ngủ phía anh ru” ta không thấy những chỉ báo ấy. Toàn chữ quen thân, thậm chí còn khéo nữa. Nhưng không thể nói câu thơ đó không hay. Có lẽ, nhờ các câu thơ anh em đã tạo một không gian và nó đứng vào đúng chỗ. Nhưng chừng đó chưa thể tạo ra sự cuốn hút. Hãy đọc câu thơ này to lên, thì ra là nhạc! Bài thơ là một bản nhạc, câu thơ này đầy nhạc, êm dịu kiểu dân ca. Chính cái nhạc quen thuộc làm cho ta say mê nó. Ta bỗng nhớ người thiếu phụ Nam bộ mặc bà ba vừa ngồi với ta trong một ban mai tinh khiết, dịu dàng như ngọn gió.
Vui chưa hết bỗng ta lại phải sang một trạng thái khác, buồn. Lời ru có vẻ rủ rỉ hơn và hình như có cả tiếng khóc thầm. Sao nghe mà lòng ta có gì cũng tan nát theo lời ru ấy. Có lẽ người ru và người được ru đã trải qua những năm tháng đau buồn, đợi chờ, trầm tích, nghẹn lại qua từng lời ru. Nỗi đau đó, nhiều người có thể gặp, không xa lạ gì với ai, nên tự nó đã được nhiều người sẵn sàng bắt tay chia sẻ. Ta đang bắt tay những câu thơ này và cảm thấy hơi giá lạnh của nó chuyền sang tay mình âm ấm. Nỗi đau buồn chìm thật sâu trong từng lời ru, tự thấm vào ta và hình như ta cũng muốn thấm vào:
Ru cô đơn chìm vào da thịt đêm trắng buốt
Ru đau thương hoang hoải dấu lưng trần
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Ta đã bị hút theo lời ru, từ ru em đến ru cô đơn, ru đau thương, ru bàn tay, bàn chân… Ta thấy ru bằng cả hành động và rất nâng niu trân trọng nữa! Ru nhưng càng ru ta càng không thể ngủ được, càng ru càng thức. Một nỗi buồn lan tỏa trong từng lời ru hoàn toàn có thể cảm được từ da thịt mình. Hình như có một giọt nước mắt lăn chìm hay chính giọt nước mắt của chính ta đang tự chảy, tha thiết vô cùng. Cái tài của Nguyễn Trọng Tạo là diễn tả hạnh phúc mà bằng những nỗi buồn đau. Sâu xa lắm! Không gian và thời gian từng chứng kiến nỗi đau quằn quại, đợi chờ:
Ngày tháng mỏi buồn
Đường xa mỏi nhớ
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Mỏi mặt người mặt giấy
Mỏi hoa nở hoa tàn
Mỏi cay đắng hân hoan…
Tưởng nỗi đau đã đến đỉnh rồi, lời ru vẫn chưa dừng lại. Nhưng cùng với dư âm của lời ru trước tạo ra sự cộng hưởng, một không gian bàng bạc lời ru, choàng vào ta. Lời ru cứ nhỏ dần, ta có cảm giác lớn hơn, não nuột hơn. Nỗi đau từ đâu cứ bò ra ngày càng nhiều, chập lại, tạo thành từng con sóng vỗ vào ta. Ta chìm hoàn toàn vào trong những con sóng đó. Nhưng, ta bỗng choàng tỉnh dậy, thoát ra, trong căn phòng trắng, lời ru đã ở ngay cạnh mình rồi. Lời ru lại vượt ra ngoài, ru nghĩa trang đến trắng phớ thì quả thật ngoài tưởng tượng của người đọc, và cũng là câu thơ Nguyễn Trọng Tạo nhất! Hình như tiếng ru đã thành nước mắt, tiếng ru đã tan vào tiếng mưa. Mưa cũng đang dệt tiếng ru buồn. Tình yêu đã đạt đỉnh, hòa quyện vào nhau. Đến đây, một khoảng lặng, kết quả của sự cộng hưởng, trào dâng trong ta một tình thương kiếp người và trân trọng tình yêu của con người vô hạn …
Ru căn phòng ảo mờ khung tường trắng
Ru nghĩa trang trắng phớ vết thư xưa
Dù ta đã tan hòa hết, lời ru đã tan hòa hết thành mưa, nỗi buồn đau là quá khứ, hiện tại là hạnh phúc, tình yêu. Tình yêu càng giông bão, giờ đây càng hạnh phúc. Nghe như vô lý mà cuộc đời vẫn thế! Hạnh phúc ta đang cầm trên tay đã vượt qua bao nhiêu đau thương, vò xé, đợi chờ, hy vọng… Giờ đây, ta sực tỉnh để nâng niu, hưởng thụ và gìn giữ nó. Thật lạ bài thơ buồn, các con sóng vỗ vào ta, tưởng đã chết chìm, hóa ra không! Sự liên tưởng giữa các hình ảnh hiện tại và quá khứ phủ lên tiếng ru màu trắng đã tạo nên từng cặp mô men xoáy vào các giác quan ta:
Trước mặt sau lưng chập chờn ảo mộng
Đêm tan vào hoang vắng tiếng ru mưa…
Ru trắng thật đa nghĩa từng chữ, từng câu. Tận cùng lời ru là một tình yêu trong trắng đến sửng sốt. Tình yêu pha lê.
Hai bài thơ lồng vào nhau, ta mới nói đến bài thơ thứ nhất, còn bài thơ thứ hai, bài thơ sex không hề thô thiển. Thơ một bài mà có đến hai, quả là hiếm thấy!
Thơ Nguyễn Trọng Tạo vốn giàu thi ảnh, ở bài này thì đậm đặc. Vì thế nó ám ảnh, ta tự giác buồn đau tha thiết theo thơ! Thơ không rên mà lòng ta rỉ, thơ không kêu mà lòng ta đau, thơ không trách mà lòng ta xót, thơ không yêu mà đạt tới tận cùng. Thơ cứ thế mà đi vào lòng ta mở sẵn, tự đánh thức trong ta tình thương yêu con người và sự trân trọng tình yêu, hạnh phúc.
Ru trắng, càng đọc càng ngẫm nghĩ ta lại phát hiện thêm một điều gì mới mẻ. Vì thế nó có thể đi cùng với con người bất chấp thời gian…
RU TRẮNG
Tặng Em
Choàng lên thân thể em mây trắng dệt nghìn năm lụa trời non nõn trắng
Em bồng bềnh thức ngủ phía anh ru
Anh ru biển mơn man bọt sóng xỏa mòn đêm ôm bờ cát
Anh ru cây rải lá chỗ em nằm
Anh ru gió lang thang mềm hơi thở
Yêu vỗ về có theo suốt trăm năm…
Ru cô đơn chìm vào da thịt đêm trắng buốt
Ru đau thương hoang hoải dấu lưng trần
Ru bàn tay biết yêu
Ru bàn chân biết nói
Ru bờ mi rưng lệ bóng tuổi tròn
Ngày tháng mỏi buồn
Đường xa mỏi nhớ
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Mỏi mặt người mặt giấy
Mỏi hoa nở hoa tàn
Mỏi cay đắng hân hoan…
Ru căn phòng ảo mờ khung tường trắng
Ru nghĩa trang trắng phớ vết thư xưa
Trước mặt sau lưng chập chờn ảo mộng
Đêm tan vào hoang vắng tiếng ru mưa…
3-6.5.2008
NGUYỄN TRỌNG TẠO
(Trích tập thơ Em Đàn bà)
Bài thơ này được sáng tác theo trường phái expressionism, tác giả nhấn mạnh đến cảm xúc nội tại hơn là mô tả hình dáng của thực tại.
_________________
expressionism : an artistic and literary movement originating in Germany at the beginning of the 20th century, which sought to express emotions rather than to represent external reality: characterized by the use of symbolism and of exaggeration and distortion
(Trường phái biểu hiện : là phong trào nghệ thuật và văn học có xuất xứ từ nước Đức vào đầu thế kỷ 20, thi ca của trường phái này nhằm bày tỏ cảm xúc và không nhằm miêu tả thực tế bên ngoài: đặc trưng của trường phái này là sử dụng kỹ thuật của trường phái tượng trưng (symbolism) nhằm gia tăng ấn tượng cho người đọc và vì thế thực tại có thể không được như cảm xúc trong thi ca.)
_________________
Trong bài thơ trên, ta thấy tác kỹ thuật của trường phái tượng trưng (symbolism) được sử dụng tràn ngập , chỉ nêu một đọan:
“Ngày tháng mỏi buồn
Đường xa mỏi nhớ
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Mỏi mặt người mặt giấy
Mỏi hoa nở hoa tàn
Mỏi cay đắng hân hoan…”
(Nguyễn Trọng Tạo)
____________
Về trường phái biểu hiện (expressionism) ta thấy cố thi sĩ Lưu Trọng Lư đã sử dụng rất thành công trong bài thơ Thú Đau Thương rất nổi tiếng của ông:
THÚ ĐAU THƯƠNG
(tác giả: Lưu Trọng Lư)
Tình đã len trong màu nắng mới ,
Lòng anh buồn vời vợi, em ơi !
Niềm yêu run động đôi môi
Tình đầy khôn lựa được lời thắm tươi .
Đã héo lắm nụ cười trong mộng ,
Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu ,
Đã lam tím cả cảnh chiều ,
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn .
Để chăn gối im nằm chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương ,
Giờ đây ta đốt nén hương ,
Trên tay ta buộc giải tang cho tình .
Trong bài thơ trên, ta thấy tác kỹ thuật của trường phái tượng trưng (symbolism) được sử dụng tràn ngập , chỉ nêu
Chữa lại: _ bỏ bớt chữ “tác” trong câu trên.
Trong bài thơ trên, ta thấy kỹ thuật của trường phái tượng trưng (symbolism) được sử dụng tràn ngập , chỉ nêu