Đỗ Trung Quân: ‘Thần tượng nhưng phải có tự trọng’

Bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” đang tạo ra một cuộc bút chiến trên các diễn đàn mạng xung quanh chuyện thần tượng trong giới trẻ. Báo Đất Việt phỏng vấn tác giả bài thơ – nhà thơ Đỗ Trung Quân – về cuộc tranh cãi này.

HÃY TIẾT KIỆM THỨ CÒN LẠI DUY NHẤT!

Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết , tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân , đứa đi làm rẫy. đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu – chiến

Ngày Polpot tràn qua An Giang , Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã

Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.

Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ

Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ

Đỗ Trung Quân


Đỗ Trung Quân: ‘Thần tượng nhưng phải có tự trọng’

‘Tôi cũng có thần tượng’

– Thưa ông, ông nghĩ gì khi một bài thơ của ông, chỉ đăng trên facebook cá nhân, đã nhận được hàng trăm phản hồi và nhận được sự chú ý đặc biệt trên nhiều diễn đàn?

– Tôi đã đọc tất cả các bài phản hồi và tôi biết rằng hầu hết những người viết đó đều không phải ở trong giới K-pop.

Quan điểm của tôi rõ ràng thế này. Tôi cũng có thần tượng. Hồi trẻ, tôi cũng mê Beatles, cũng mê diễn viên điện ảnh. Tôi mê đủ thứ. Nhưng sự ngưỡng mộ thần tượng, xin chữ ký, yêu quý khác với liếm nên cái ghế thần tượng ngồi. Giới hạn nó nằm ở chỗ đó. Quan điểm của tôi là như thế thôi.

Nhiều người nghĩ tôi mắng các em. Không, tôi không hề mắng các em. Tôi chỉ muốn nói rằng các em hãy xử dụng nước mắt cho đúng chỗ. Tôi không cấm, tôi không hề cấm thần tượng. Tôi chỉ nhắc các em rằng yêu mến khác sự liếm ghế.

Ở nước ngoài, cũng có màn khóc lóc, thậm chí có những cô đòi ngủ với John Lennon. Nhưng ở xã hội của họ không có nhiều vấn đề xã hội như của mình. Ví dụ như mình có bão lụt, biển Đông… Chúng ta có quá nhiều thứ. Xã hội phương Tây cũng có những vấn đề nhưng không buộc người ta phải nghĩ như mình.

– Có người cho rằng ông nhân danh Tổ quốc để áp đặt giới trẻ không được thần tượng K-pop?

– Vấn đề là như thế nào là nhân danh tổ quốc. Năm 79, chúng tôi phải đi thì có phải Tổ quốc lâm nguy không? Lúc đó, Tổ quốc lâm nguy chứ chúng tôi đâu có nhân danh!

Thậm chí, tôi biết bài đó cố tình trích dẫn không đầy đủ mà tôi gọi là “làm báo kiểu lưu manh”. Họ không trích dân câu sau của tôi, là “nhục Biển Đông quá đủ”. Họ chỉ dừng ở “đừng làm nhục thêm”.

Tôi không trả lời vì phương pháp của bài đó là phương pháp lập lờ, trích dẫn không đầy đủ.

Bảo tôi nhân danh Tổ quốc là dùng “bài” hay thấy hiện nay – Sai! Năm 79, thực tế là cả nước ra trận, Tổ quốc lâm nguy. Tôi đâu có nhân danh. Khi Polpot đánh Việt Nam là Tổ quốc lâm nguy. Vậy thì tôi chỉ làm nhiệm vụ của người thanh niên chứ tôi không nhân danh. Còn bây giờ, lùi lại xa rồi, chụp cho từ này, chụp cho quan điểm kia.

Tôi nói thật, tôi là người bênh vực nhiều nhất cho giới trẻ Sài Gòn nhiều chục năm nay rồi. Quan điểm của tôi là bênh vực giới trẻ. Vì con tôi đang trẻ mà. Vấn đề là tôi bênh vực, xong những điều quá đáng thì tôi phải nhắc nhở.

Nhiều người trong giới trẻ hỏi tôi nhân danh cái gì mà được quyền dậy tôi. Vậy thì bố mẹ của các chị, các anh có được quyền dậy các chị, các anh không? Bố mẹ các chị, các anh dậy các anh, các chị còn chưa chắc nghe thì đừng nói là tôi.

Còn có những người rất “open” mà tôi gọi là lập lờ, theo đuôi giới trẻ thì đúng hơn. Họ ủng hộ cho chuyện đó, bảo tôi khắt khe, nhưng với con họ thì không. Thử hỏi nếu con họ đang đêm ra khỏi nhà, khóc lóc vật vã vì một ban nhạc đó thì họ có đồng ý không? Câu trả lời là không. Họ rất “open” với con người khác nhưng với con mình thì không. Đó là cái trò của họ.

Vấn đề ở đây, tôi muốn nói là nếu bảo tôi nhân danh Tổ quốc thì có người nhân danh ủng hộ giới trẻ một cách hết sức theo đuôi. Nếu vậy, thì xã hội này không ai bảo được ai gì đâu, con cái cha mẹ khỏi bảo nhau.

Thành ra, trong bài thơ tôi nói rõ, tôi không hề trách móc ai, tôi không hề mắng. Tôi nhắc rằng ở xã hội Việt Nam còn quá nhiều chuyện đau đầu. Xã hội của chúng ta không phải xã hội Tây. Đừng bảo Tây thế nào thì mình thế ấy. Họ được vì xã hội của nó khác, còn xã hội mình đang có vô vàn cái không ổn định.

Ở xã hội ta, việc khóc vì thần tượng rất là kỳ, nó vượt quá giới hạn.

Không ai liếm ghế Elton John

– Xin ông cho biết ngày trẻ, ông có thần tượng không? Nếu có thì đó là những ai vậy và ông đã làm gì để bày tỏ sự hâm mộ của mình?

– Tôi nhắc lại, tôi vẫn có thần tượng. Bây giờ tôi vẫn có thần tượng. Tôi vẫn mê cô Julia Robert, tôi vẫn mê John Lennon và hàng năm, tôi vẫn viết bài kỷ niệm.

Tuổi này tôi vẫn có thể thích bất cứ một danh ca nào tầm cỡ Elton John nhưng tôi không bao giờ liếm ghế ông ấy được. Ngay hồi trẻ tôi cũng không thế. Bởi vì ở đây là nền giáo dục, nền văn hóa. Văn hóa nó buộc mình dừng ở chỗ nào. Tôi có thể ngưỡng mộ nhưng tôi không liếm ghế. Cái đó nó hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề là có những trò lập lờ. Thực ra, bây giờ cái gì cũng bí bức nên muốn cái gì cũng “open”. OK, tôi là người “open” mà. Xưa này ở Sài Gòn, mọi người biết tôi là người cởi mở chứ không khắt khe.

Tất nhiên, hành động liếm ghế, khóc lóc vì K-pop của một số thanh niên Việt vừa rồi không phải là đại diện cho thế hệ trẻ Việt nhưng khuynh hướng của nó đang lây lan.

– Thời ông trẻ cũng có những người mức lăn ra khóc lóc rên rỉ khi nhìn thấy John Lennon.

– Đúng, thời chúng tôi còn trẻ, năm 65, thời Beatles đang nổi tiếng. Khi ban nhạc này đến Tokyo, New York, fan của họ khóc lăn khóc lê ngoài đường, chạy theo xe, nhưng chúng ta không thấy trối. Vì đó là quyền giải trí của họ. Tôi không thấy nó kỳ.

Nhưng tôi rất ghét, tôi không thể chấp nhận và Tây cũng không làm như thế. Tây cũng chưa bao giờ liếm cái ghế của Elton John, liếm giầy của Julia Robert.

Vấn đề phải hiểu là cái nền văn hóa giúp chúng ta dừng lại ở sự tự trọng. Tôi ngưỡng mộ nhưng tôi phải có tự trọng. Tôi không thể nhân danh thần tượng mà thiếu cả tự trọng.

Ở giữa nơi công cộng có cô liếm cái ghế, hôn cái ghế, có những thanh niên khóc ngất lên vì một ca sĩ trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay thì nó vượt quá sự ngưỡng mộ và tự trọng tối thiểu. Nó cho thấy một nền trí thức… mà hầu hết là sinh viên, mà tôi nói thật hầu hết các em là Đoàn viên. Vậy thì như thế nào?

Tôi phản ứng là thái độ không biết tự trọng chứ tôi không cấm họ. Con tôi mà như thế là tôi bợp tai đó.

Nói dối và sống dối nhiều quá

– Không biết con ông có thần tượng K-pop không?

– Con tôi như mọi người trẻ khác, nó có nghe nhạc và nó được quyền chọn lựa thứ nhạc nó thích. Nó nghe nhạc Mỹ. Nó không thích K-pop và đó là quyền của nó. Tôi không bao giờ bắt nó phải nghe nhạc gì. Thậm chí, nó thích để tóc kiểu gì cứ để. Vì đó là quyền của thanh niên trẻ đã lớn. Đã trên 20 là người trưởng thành. Bây giờ, con sẽ làm bạn với bố.

Đỗ Trung Quân: Thần tượng nhưng phải có trự trọng

Những “đáng nam nhi” Việt khóc nức nở khi nhìn thấy thần tượng T-ara.

Con tôi có thể nghe K-pop nhưng tôi biết thừa nó sẽ không bao giờ có hành động đó. Không phải tôi bảo con mình hay.

Tôi biết thừa chuyện này như thế nào. Ở đây, chưa kể chuyện nội bộ bên trong. Đây là những đứa được trả tiền, có lương. Toàn bộ những fan club đều có lương, đi ngồi hò hét đều được trả tiền hết. Thôi thì đó cũng là cách kiếm tiền lương thiện, không đi ăn cắp là được.

– Theo ông vì sao có khoảng cách đột biến giữa người sinh năm 90 trở lại đây với những thế hệ trước đó?

– Rất dễ, nhiều người lớn bây giờ làm giới trẻ không tin nữa. Người lớn sai nhiều quá. Người lớn nói dối và sống giả dối nhiều quá. Đây là quan điểm cá nhân của tôi.

Đó là vấn đề.

Thí dụ trong gia đình, tôi muốn dậy con tôi thì tôi phải sống đúng với mình. Nói rộng ra trong xã hội, lòng tin không còn. Bạn bè thế hệ tôi, một số người tôi cũng vậy. Không phải tôi nói về đạo đức của họ. Thà anh cứ sống bê tha một cách đúng anh, tôi lại tin hơn ngày mai, anh lại xuất hiện ở một số diễn đàn nói về đạo đức.

Thứ hai nữa là vấn đề thời đại. Ngày xưa, cha mẹ muốn kiểm soát con cái dễ lắm. Nó đi học thì mở nhật ký của nó ra. Nhưng bây giờ muốn đọc nó phải biết Internets, biết facebook, biết kỹ năng mà vào nó, còn không, nó chặn một phát là không vào được, không kiểm soát được nó nữa.

Chính bản thân thế hệ tôi, nhiều cha mẹ đã để mình tụt hậu. Tôi không nói kiểm soát nó nhưng phải hiểu nó. Thậm chí con tôi có facebook, tôi cũng không bao giờ vào hết, bởi đó là riêng tư. Tôi không kiểm soát chuyện riêng tư của con tôi, chuyện bạn bè của nó. Cần tôi hỏi thẳng nó. Chứ còn tôi dư sức vào. Tôi đủ kỹ năng để vào.

Đỗ Trung Quân: Thần tượng nhưng phải có trự trọng
Cảnh những cô gái ngất đi vì thần tượng sao Hàn không hiếm ở Việt Nam.

Nhưng không phải ai cũng như thế cả. Thành ra bây giờ, cha mẹ cách xa con cái, con cái cách xa cha mẹ. Ở xã hội, nó thiếu lòng tin với người lớn nói chung. Trong nhà, cha mẹ vẫn là khoảng cách nó không gần được. Cái đó là sự thật. Cái đó không trách Internet. Tôi phải đội ơn Internet.

Nhiều bạn bè lứa của tôi không đi kịp với con cái và cứ dùng cái áp đặt cũ lên nó. Điều đó cũng không phải là đúng đâu.

– Xin cám ơn ông!

Trước cảnh hàng trăm bạn trẻ đợi chờ cả đêm và khóc ngất đi khi thấy ban nhạc T-ara của Hàn Quốc. Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất”. Trong bài thơ, ông nhắc lại thế hệ trẻ một thời sẵn sàng quên mình khi tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn, rồi sẵn sàng làm những việc vô cùng gian khổ như đạp xích lô, chạy xe ôm, khuôn vác sau khi trở về khi chẳng còn lành lặn từ chiến trường mà không hối tiếc. Nhưng “Nói thật/Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt/Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội”.

Tuy nhiên, “Chúng tôi không bao giờ rơi lệ/Những chuyện tào lao/Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc/đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu”.

Nhà thơ cũng gửi một lời nhắn nhủ vô cùng xót xa khi thấy nước mắt của các bạn trẻ rơi quá dễ dàng và không đúng chỗ: “Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ/Hãy cố mà để dành/Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước/Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu/Làm nô lệ/Tôi bảo các em lần này thôi nhé/Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình/Nhục/Biển Đông/Quá/Đủ/Rồi”.

Bài thơ vấp phải sự phản đối của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sự phản kháng bằng bài thơ của một cô gái trẻ. ược đăng tải trên mạng nhấn mạnh tới sự khác biệt thế hệ, tới hoàn cảnh mà giới trẻ ngày nay đang sống:“Thời đại mới, chúng tôi cũng đang sống trong cái thời 20 tuổi/Ba mẹ nuôi/Lo cho ăn học bằng người/ Cũng biết học, biết chơi, biết chuyện nước ta, nước bạn/Tuổi trẻ thời bình, thích truyện ngắn, phim tình cảm/Nghe nhạc Hàn, thích các ngôi sao/Được phong danh hiệu “Fan cuồng Kpop/ Thôi thì cứ sống là chính mình, đứa thích SuJu, đứa mê UKiss, đứa yêu Dong Bang, đứa cả ngày xem Beast, coi như sở thích cho những lúc nhàn rỗi của thời bình”…

Tuy nhiên, theo quan điểm của cô gái thì tình yêu mãnh liệt mà họ dành cho các ngôi sao Hàn Quốc không ảnh hưởng gì tới tình yêu đối với đất nước, gia đình và tự hào dân tộc: “Chẳng có chiến tranh, chúng tôi vẫn yêu sử nước mình/Chống pháp thực dân, đánh tan đế quốc/…/Trách nhiệm học hành đôi lúc cũng nặng vai/Internet tràn sang, sự học vẫn miệt mài/Học là chơi, chơi là học”…

Bài thơ cũng khẳng định thế hệ trẻ không chỉ biết rơi nước mắt vì thần tượng của mình. “Nước mắt chúng tôi/Đôi khi rơi vì số phận, vì những hy sinh xưa cũ đã qua rồi/Nước mắt chúng tôi/Đôi lúc cũng rơi/Chỉ vì một trang sách hay, một thước phim hay, hoặc vì hạnh phúc/Đừng lấy chiến tranh để đo lòng nước mắt/Khi tôi cũng từng khóc vì một kiếp lầm than, nhưng cũng từng rơi vì các sao Hàn…”.

Theo Báo Đất Việt

 

8 comments

  1. Phải rồi, người lớn bây giờ nói dối nhiều quá! Nói dối đại lộ! Nói dối sỗ sàng! Nói dối không biết ngượng mồm! Thế thì giới trẻ dựa vào đâu, dựa vào ai, dựa vào cái gì để nói thật? Đóng kịch với nhau như thế cũng là quá lâu và quá đủ rồi! xì-tốp thôi!

    1. Có hâm mộ thần tượng nào qué đâu, toàn làm thế để chứng tỏ bản thân. Những đứa ngu học trẻ trâu trình độ không có thì phải bày trò thể hiện mình có cái gì đó làm được cho bằng thiên hạ thôi. Chung quy là 2 chữ a dua và dốt nát Cũng như các bạn trẻ cuồng kpop, tôi cũng tầm 18 20, tôi cũng có nghe nhạc hàn như bao thể loại nhạc khác và thậm chí nghe rất nhiều. Vì vậy tôi không phải là người không hiểu gì về cái lứa tuổi này hay cái thể loại nhạc mà các bạn đang nghe. Hi vọng các bạn sống có trách nhiệm hơn chứ đừng lôi cái tôi bé nhỏ ra mà hù dọa.

  2. @yes: câu phản biện ngu dốt. người lớn họ nói dối nhưng bản thân người trẻ phải nhận thức đúng vấn đề, phải là chính mình, đừng đạp phân của những người nói dối đề bản mình mình cũng dơ như họ.

  3. Mình rất đồng cảm với nhà thơ Đỗ Trung Quân về bài thơ ” HÃY TIẾT KIỆM THỨ CÒN LẠI DUY NHẤT!”, nhất là lời cuối nghẹn ngào:
    Tôi bảo các em lần này thôi nhé
    Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
    Nhục
    Biển Đông
    Qúa
    Đủ

    Hoan hô Đỗ Trung Quân

  4. Mình ủng hộ bác Đỗ Trung Quân. Còn cái con dỡ nào viết bài còn lại, ko biết khi nó vẽ bản đồ Việt có vẽ 2 quần đảo Hoàng-Trường Sa vào ko? Đúng là loại chỉ biết rống cái mồm lên.

  5. Tui thích câu này ” Nhiều người trong giới trẻ hỏi tôi nhân danh cái gì mà được quyền dậy tôi. Vậy thì bố mẹ của các chị, các anh có được quyền dậy các chị, các anh không? Bố mẹ các chị, các anh dậy các anh, các chị còn chưa chắc nghe thì đừng nói là tôi”
    Các Bạn trẻ hãy tự mình trả lời nha!

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu