Nhà thơ Đỗ Xuân Thu, Phó CT Hội LH VHNT Phú Thọ, Tổng Biên Tập tạp chí văn nghệ Đất Tổ (cơ quan báo chí của Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ ra đời từ năm 1975, phát hành hàng tháng tới 63 tỉnh thành phố, cơ quan trung ương và của tỉnh Phú Thọ) vừa có bài phê bình tập truyện “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa.
Biết anh Xuân Thu khá lâu trên Vnweblogs, ấn tượng về một nhà thơ hóm hỉnh, dễ gần nhưng cũng rất tinh và sắc. Giới thiệu bài phê bình đến quý vị Bạn đọc: (Mời xem tại đây)
VŨ THANH HOA – NGƯỜI NHÌN THẤU LINH HỒN
(Cảm nhận khi đọc tập truyện ngắn “Người nhìn thấu linh hồn” –
Nxb Hội Nhà văn, 2010 của Vũ Thanh Hoa)
Tôi đã đọc ngấu nghiến tập truyện “Người nhìn thấu linh hồn” của tác giả Vũ Thanh Hoa – một người tôi chỉ biết và chỉ đọc trên trang blog của chị. Có thể nói ngay rằng lâu lắm rồi tôi mới được đọc một tập truyện hấp dẫn đến thế, lôi cuốn đến thế. Cầm tập sách 300 trang trên tay, tôi mở trang bất kỳ và trúng ngay trang có tiêu đề “Hai vạch”. Một truyện ngắn. Tôi bắt đầu đọc thử. “Cô luôn chuẩn bị những câu thật lạnh để nói với anh: “Tôi chán anh lắm rồi, tôi muốn chúng ta kết thúc. Anh để cho tôi yên. Tôi sẽ đi lấy chồng”. Hay đây. Và tôi thật sự ngỡ ngàng khi bước qua “Hai vạch”. Rồi cứ thế, mạch văn, mạch truyện của chị cứ lôi cuốn tôi đi, lan tỏa lên đầu sách, đến cuối sách cho hết cả 33 truyện của chị. Cuối cùng, tôi mới đọc đến những dòng trên trang bìa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, của Cầm Linh, của Trần Hoàng Vy viết về cuốn sách này. Tôi đồng cảm với họ và khi gập cuốn sách lại, tôi thử nhắm mắt lại để xem cuốn sách còn đọng lại trong tôi bao nhiêu. Chẳng ngờ những nhân vật, những chi tiết của những câu chuyện trong tập sách cứ hiện lên trong tôi, ám ảnh tôi. Tôi giật mình: hay là Vũ Thanh Hoa đã “nhìn thấu linh hồn” của tôi?
Quả thực, cách viết truyện của Vũ Thanh Hoa đã hoàn toàn chinh phục tôi. Đọc chị, ta thấy được những lát cắt của cuộc sống thường ngày, gặp lại ai đó xung quanh ta. Bối cảnh trong truyện của chị chủ yếu là “dân văn phòng”, nhân vật của chị chủ yếu là ở lứa tuổi “sồn sồn”, chuyện của chị tập trung vào những mối quan hệ giữa “sếp” và nhân viên, giữa các đồng nghiệp với nhau với nhiều tình tiết dở khóc, dở cười, dí dỏm mà sâu sắc. Đặc biệt, có khá nhiều truyện liên quan đến tình dục, đến sex và chủ đề tình yêu – chủ đề muôn thuở của nhân loại được chị biến tấu trong các truyện ngắn thật tinh tế, sâu sắc.
Vũ Thanh Hoa “nhìn thấu linh hồn” qua các lát cắt của cuộc sống với lối viết hoạt, tiết tấu nhanh nên đọc rất cuốn hút. Truyện của chị không dài, trái lại rất gọn, rất cô đọng. Phần I – “Truyện mi ni”, với 12 truyện cực ngắn khác nhau nhưng truyện nào cũng chứa đựng đầy chủ ý của tác giả. “Gai thép” chỉ có chưa đầy 2 trang sách chị đã đưa độc giả gặp lại người yêu cũ của chị nay là người “vá ép hon đa, xe đạp” để rồi cuối truyện chị bất ngờ lên án anh ta đã rải đinh ra đường và hình ảnh “những cái gai thép đâm thẳng lên trời, nhòe nhoẹt ánh trăng, ánh điện” cứ ám ảnh mãi chúng ta. Rồi đến “Ký ức bất nhã”, “ba trăm ngàn”, “Hàng không bán”… cũng vậy. Bất ngờ kịch tính được chị giấu kín, đẩy lên cao trào ở cuối truyện dẫu chỉ có vài trang sách. Tôi thích nhất trong phần này là truyện “Tìm bạn” của chị. Một cô gái 40 tuổi, đã 6 năm ly dị, tìm bạn bằng nhiều cách, đã chán nản mệt mỏi với đàn ông vô tình nhặt được mẩu tin trên mục “Kết bạn” của một tờ báo đã “thư qua thư lại. Điện thoại. Hẹn hò. Cuối cùng họ gặp nhau ở một quán cà phê”. Chỉ chưa đầy 2 trang tả cuộc gặp này mà người đọc vã mồ hôi ra cùng nhân vật vì hấp dẫn quá. Hình ảnh “người đàn ông” hé lộ dần để cuối cùng là anh ta là một người “đang kinh doanh mặt hàng keo dính chuột” (trước đây chuyên về rượu giả, đã bị bắt và vừa đi tù về) chứ không phải đại gia nào khác như cô gái đã tưởng tượng, hình dung, đã loại dần qua các giả định, phương án nọ kia. Chuyện này lại do chính người đàn ông “với đôi mắt bình thản, thẳng thắn, chân thành” nói ra với cô gái. Ngỡ tưởng cô gái bỏ đi và sẽ chẳng bao giờ tìm đến đàn ông nữa nhưng không ngờ cô gái “đưa bàn tay nhỏ bé của mình về phía anh, thì thầm: Lần đầu tiên em gặp một người đàn ông chân thật như anh. Em không đi tìm nữa”. Hay! Hay quá! Rất nhân văn! Có thể nói chị đã nén chữ như người ta làm thơ, dồn chi tiết trong một hoạt cảnh như người ta “làm” sân khấu…
Văn của Vũ Thanh Hoa hoạt với những câu văn ngắn. Nhiều câu thậm chí chỉ có một, hai từ. Đoạn văn ngắn, đi thẳng vào vấn đề. Trong một truyện, chị lại phân ra các đoạn nhỏ đánh dấu 1, 2, 3… không sa đà vào kể tả, không “vòng vo Tam quốc” như nhiều tác giả khác. Cả trong “phần II – Truyện ngắn” và “phần III – Truyện vừa” cũng vậy. Duy nhất một truyện có tên là “Sếu” chị đặt trong mục “Truyện vừa” ở cuối sách dài 22 trang chị cũng chia nhỏ ra các đoạn như thế (9 đoạn) . Đọc chị ta có cảm giác như đang xem một bộ phim hay một vở kịch với nhiều cận cảnh, lớp lang kế tiếp nhau. Thực tế cuộc sống được chị phơi bày trên trang sách không tô vẽ, tán tả, không luận bàn, nghị sự… ấy vậy mà vẫn dẫn dụ độc giả đi từ hết bất ngờ này lại đến bất ngờ khác. Ở điểm này, tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Trong thời đại của truyền thông bùng nổ, văn xuôi tìm cách chiếm lấy bạn đọc bằng hiện thực ẩn dụ với thủ pháp điện ảnh cắt cảnh và đặc tả”. Giữa nhịp sống công nghiệp xô bồ mà ta cứ phải đọc những truyện, những trang kể tả dài lê thê thì thật sốt ruột và nhàm chán. Vũ Thanh Hoa tỉnh táo đã tránh được lối mòn này.
Một thế mạnh nữa trong cách viết của Vũ Thanh Hoa là chị dùng ngôn ngữ rất hiện đại, đúng thời đại @. Không cố học đòi bồi Tây bằng kiểu liên tục “xổ ra” những tiếng Anh, những cảnh Tây hay cố làm điệu làm dáng ra vẻ sành điệu bằng lối hành văn cầu kỳ, đẽo gọt, bẻ chữ, ngắt câu, u u mê mê cho độc giả, Vũ Thanh Hoa dùng ngôn ngữ thời @, chi tiết thời công nghiệp rất nhuần nhuyễn. Chị kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố hiện đại với ngôn ngữ truyền thống. Đa số các truyện của chị đều “dính dáng” đến “điện thoại di động”, đến “mạng Internet”, đến tiếng Anh, đến các phương tiện thời hiện đại như nhà hàng, khách sạn, như máy bay, vi tính, tennis… Từ “nhắn tin”, đến “email”, từ “blog” đến “nick name”, từ OK đến “ông xã”, “bà xã”… Tất cả lại được chị dùng đúng chỗ, đủ liều lượng, rất dí dỏm, hài hước, không hề khoe chữ, làm dáng nên độc giả vừa đọc vừa cười thầm một mình. Tôi rất thích các truyện “Sinh nhật sếp”, “Bloggers”, “Người dẫn hôn lễ”, “Hai vạch”, “Đời đời kiếp kiếp”. Ví sếp như chiếc điện thoại hào nhoáng còn nhân viên như chiếc sim để rồi khi rút sim ra thì điện thoại “chết” khéo chỉ có Vũ Thanh Hoa (truyện ngắn “OK”). Thế giới văn phòng, bệnh sếp, các ngón nghề tiến thân của những kẻ nịnh đầm… được chị vẽ chân dung, ký họa rất tài tình. Chỉ vài nét phác thảo ta đã nhận ra được họ. Vừa thô kệch, hợm đời, vừa méo mó đến tội nghiệp, khổ sở khiến ta vừa thương lại vừa giận họ.
Truyện của Vũ Thanh Hoa đậm chất nữ tính, trữ tình và nhân hậu. Hình như truyện nào, nhân vật nào của chị cũng toát lên điều đó. Không che đạy, không ngụy biện, chẳng dấu giếm, yếu tố bản năng, cái mà trời ban tặng cho con người để duy trì nòi giống, để tìm đến nhau giữa những người khác giới được chị rất chú ý đề cập và rất thành công. Vũ Thanh Hoa khéo léo, mạnh dạn đưa yếu tố sex vào các truyện ngắn của mình. Hãy nghe chị tả: “Như đứa bé gặp mẹ sau bao ngày xa cách, lúc anh vươn vòng tay ôm choàng cơ thể cô, khi vòm ngực nở nang của anh ép chặt cô xuống sàn nhà, cái lưỡi rắn của anh bắt đầu cuộc hành trình trên mắt, trên môi cô rồi xuống dần, xuống dần… toàn thân cô run rẩy đón đợi cơn dông mùa hè, cơn bão mùa thu, cơn sóng thần của đại dương mạnh liệt… cô lại buông mình”; “Cô thực sự nghiện những nụ hôn vội vã, những cái ôm siết chặt mà lần nào cũng có thể là lần cuối, nghiện cảm giác vừa sung sướng vừa đau khổ, nghiện cảm xúc nửa tin nửa ngờ tràn ngập trong cơn ghen ngược mỗi khi làm tình” (Hai vạch); “Mùi đàn ông, những sợi râu lởm chởm, những sợi lông mịn màng… phủ ồ ạt lên chị như những cơn sóng… Chị buông hết mình vào cơn sóng ấy” (Ngõ hẻm tận cùng); “Gã ôm chặt chị. Chị nằm gọn trong vòng tay vạm vỡ của gã. Chị thấy đôi môi gã lướt trên từng xăng timet cơ thể mình. Chị thấy mỗi tế bào đàn bà của chị rung từng hồi thổn thức. Chị chìm trong hoan lạc đến tận đáy ý thức. Chị bay bổng một cõi khác, có thể là thiên đường, có thể là địa ngục nhưng tuyệt nhiên không giống cõi trần” (Mười bốn tiếng đồng hồ)… Và rất nhiều đoạn trong các truyện khác cũng vậy. Tôi đọc cứ mê đi trong cái chất thơ phồn thực ấy. Và bỗng nhiên tôi lại gặp lại “Giao hưởng biển”, “Chật chội”, “Mỗi lần ngủ với nhau”, “Nằm một mình”, “Nhan sắc” cùng rất nhiều thi phẩm của chị trong tập thơ “Trong em có người đàn bà khác” của chị.
Mạnh mẽ, quyết liệt nhưng những nhân vật nữ của chị cũng rất hiền hậu, vị tha. Chị cảnh báo về sự nhàm chán, đơn điệu trong cuộc sống vợ chồng của cả hai phái nam và nữ để nhắc họ hãy giữ gìn, hãy tận hưởng, hãy đi đến tận cùng cái mà trời đất đã ban tặng cho giống đực và giống cái đó là tình dục, đó là tình yêu. Táo bạo nhưng không dung tục, dữ dội nhưng rất hiền hòa, sex trong truyện của chị hướng người ta tới cái đẹp, cái hoàn mỹ. Âm hưởng giọng điệu này được tiếp nối từ tập thơ “Trong em có người đàn bà khác” để tỏa sáng trong lĩnh vực khác có điều kiện tung bút hơn – lĩnh vực văn xuôi. Đây là thành công của chị.
Như nhận xét của Trần Hoàng Vy, truyện của Vũ Thanh Hoa ít nhân vật, “dường như chỉ tập trung vào một nam, một nữ, xen thêm một vài nhân vật khác nhằm kích ứng cái ham muốn rất người khi mà cuộc sống luôn đan xen hạnh phúc và bất ổn”. Tôi đồng ý với Trần Hoàng Vy ở điểm này. Mặt khác, truyện của Vũ Thanh Hoa về cơ bản được viết theo tuyến dọc, ít có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Sự việc, hiện tượng cứ mở dần theo từng trang sách. Nếu không vững bút rất dễ bị nhàm chán nhưng đọc chị lại cứ bị cuống hút theo chi tiết và nhân vật. Câu văn ngắn, tình tiết nhiều, chi tiết đắt, cái nọ gọi cái kia khiến độc giả đã đọc một đôi dòng muốn dừng cũng không dừng được. Trong nhịp sống xô bồ, gấp gáp của thị trường, của công nghiệp hiện đại, thủ pháp viết này mấy ai đã được như chị? Phải chăng ngòi bút của chị đã biến hóa, đã phù thủy để “nhìn thấu linh hồn” người khác? Tập truyện ngắn đầu tay mà có được thành công vậy tôi nghĩ chẳng tác giả nào mong gì hơn.
Không phải là người viết phê bình lý luận và tôi rất ít viết kiểu này nhưng cầm tập “Người nhìn thấu linh hồn” của Vũ Thanh Hoa tôi không thể không viết điều gì sau khi đã đọc xong tập sách. Thôi thì mạo muội ghi nhận những cảm xúc của mình sau những ám ảnh của tập truyện mong tác giả thông cảm. Xin chúc mừng sự thành công của chị.
Đỗ Xuân Thu
12.5.2011