Phí một đời hoa – Lê Hoàng

VTH – Chỉ là một tiểu phẩm vui, nhưng đọc kỹ những gì Lê Hoàng viết thì những chị em có nhiều thế mạnh sẽ thấy : đấng sinh thành dày công nâng niu chăm bẵm, học hành đầy đủ thông thái, có một địa vị đáng tự hào trong xã hội lại phải “sắm” cho mình “một nửa” tầm thường thua kém, thậm chí còn là “tầm gửi” thì quá phí một đời hoa…

Với phụ nữ hiện đại, có muôn ngàn lý do để không “sắm chồng”. Trong đó có lý do là… không thèm lấy!

Tại sao bạn phải rước một gã đàn ông không thông minh, hay nói thẳng ra là kém cỏi, có khả năng thêm cả lười tắm, lười đánh răng, lười gội đầu, mặc quần đùi rộng, ngáy ầm ĩ, răng vàng, và có thể cả nước da cũng vàng về nhà mình? Lo cho gã ăn, lo cho gã mặc, và lo cho gã… vài thứ khác nữa, kể cả thứ quan trọng, chỉ vì muốn đạt danh hiệu: Gái có chồng?

Không! Nhất định không! Ngàn lần không! Chính các cụ xưa còn nói “Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bỏ công trang điểm má hồng răng đen”. Mà phụ nữ không những má hồng, môi cũng hồng, gót chân hồng, chưa kể nhiều thứ khác cũng rất hồng. Răng thì chẳng những không đen, mà còn trắng như bắp non và đều tăm tắp hơn cả bắp non. Răng ấy ngày ba lần được đánh bằng kem hảo hạng và bằng bàn chải nhập ngoại hẳn hoi. Còn môi kia thoa bằng son cực kỳ đắt tiền của Pháp.

Môi ấy, răng ấy, cộng vô số thứ khác, tạo nên một tấm thân, mà cụ Nguyễn Du đã miêu tả “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà”, làm sao lại có thể trao một cách tùy tiện, cẩu thả và vô trách nhiệm cho một tên nào đó không xứng đáng.

Chỉ một thứ đã là “ngàn vàng”, thì bao nhiêu thứ còn lại phải cả triệu lạng ấy chứ. Mà vàng hôm nay một lạng giá bao nhiêu? Bạn thử tính xem?

Ngày xưa khi Kiều Nguyệt Nga lấy phải gã chồng không ra gì, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã kêu lên “uổng trang thục nữ sánh cùng thất phu”. Cụ nay tuy đã là quá vãng, nhưng đường phố mang tên cụ còn đó, ngày nào chị em cũng lũ lượt đi qua, chẳng lẽ lại quên?
Những người xấu xí, hoặc không xấu xí thì não gặp vấn đề, hay thì lười biếng, lấy chồng là để nhờ vả. Hay nói chính xác hơn, chờ nó mang cơm về. Nhưng phụ nữ hiện đại đâu cần! Cô đi ăn tiệm đến phát chán, vậy cần gì cơm của ai?
Ai vĩ đại cứ tự nhiên “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Phụ nữ hiện đại chỉ cần “giỏi việc… công ty”, nhà đã có ô-sin. Thời gian thay vì để lau, để quét, để chùi, để đổ rác, thì phụ nữ hiện đại dùng nó cho việc massage, gội đầu, đi xem phim, đi du lịch… để tận hưởng cuộc sống.

“Gái có chồng như gông đeo cổ”. Khẩu hiệu ấy có từ ngàn xưa. Chồng tốt còn vậy, chồng xấu khéo gông ấy còn làm bằng sắt.
Thiên hạ cứ bảo đàn bà học cao khó lấy chồng, chẳng qua thiên hạ… quá dốt. Đàn bà thông minh không thèm lấy, mà họ thích… ế! Nghĩ ế chồng mà có tiền, có xe, tha hồ nay Hongkong, mai Paris, mốt tung tăng mua sắm và nằm dài trên giường đọc sách. Chỉ có ế chồng mới gặp bất cứ trai nào ngon lành là chớp chớp mắt, cho số điện thoại và xin số điện thoại một cách hiên ngang.

Thiên hạ hay có cái kiểu thương xót vô lối, hễ cứ gặp phụ nữ rắn rỏi, xinh đẹp, thành đạt là hay hỏi thăm bao giờ cưới. Trời ạ, có thèm cưới đâu mà hỏi chứ! Nhưng nói thẳng ra lại sợ thiên hạ ghét. Phụ nữ hiện đại xinh đẹp, thông minh, đủ sức đứng vững trước cuộc đời thì chúng nó ghét rồi, bởi vì từ ganh tị tới ghét quá gần gũi. Cũng chẳng lạ gì sự hậm hực ấy, nhưng đã là phụ nữ nên có một chút nhu mì, giống như đã là sữa nên có váng cho màu mỡ. Vậy thì cứ mở miệng thưa rằng “em ế” cho ngoan.

Thật ra, miệng nói câu ấy nhưng lòng sôi lên sùng sục. Ế là không ai lấy, còn mình là đứa nào đến mình cũng chê từ đầu đến chân.
Đàn ông hiện nay phần lớn lười biếng. Còn vài anh học hành cao thì lấy vợ Tây khi du học bên Tây. Những người bụng đầy bia, giàu có nhờ buôn lậu hay mánh khóe, chả lẽ xứng với phụ nữ hiện đại chăng?

Không lẽ cả một đời học hành, trang điểm lại vơ quàng vơ xiên, ném tấm thân một cách bừa bãi cho gã tầm thường?

Trên thực tế, nếu để ý kỹ, mọi người sẽ thấy đa số phụ nữ thành đạt đều lấy chồng muộn hoặc… ly hôn chồng. Bởi họ có kiến thức kèm theo… tài chính. Họ nhìn vào cái đầu chứ không nhìn vào túi. Mà đầu rất nhiều quý ông không to (đã vậy lại còn hói).
Xét một phạm vi nào đấy, ế chẳng những không là cái tội, mà còn là niềm vinh quang và kiêu hãnh. Nhưng do dư luận còn non yếu, những người kém cỏi còn đông, nên phụ nữ hiện đại cứ phải giả nai, cứ nói tới sự chưa chồng bằng một giọng luyến tiếc, rụt rè. Trong thâm tâm, cô chẳng tiếc chút nào.

Thỉnh thoảng phụ nữ hiện đại tới nhà đứa bạn có chồng con, thấy sao thương nó quá. Nhà cửa nhếch nhác, con cái nhếch nhác, kèm theo thân hình nhếch nhác. Tại sao lại phải khổ như thế hả giời? Tại sao phải rước “của nợ” kia về để rồi xác xơ với nó?
Giữa ế và không thèm lấy chồng có một khoảng cách rất xa, nhưng thiên hạ không sao hiểu được điều đó. Theo cái đầu óc bé như trứng cút còi của họ, những cô nào không chồng đều là ế. Đáng thương thay và đáng bực thay, họ chẳng chịu hiểu, nếu muốn lấy một gã để rồi về để “thờ” thì phụ nữ hiện đại đã lấy từ lâu, chẳng cần ai nhắc. Nhưng cô muốn người đàn ông mình chọn phải “thờ” mình, hoặc là hai đứa “thờ” lẫn nhau, chứ không phải lấy cho có chuyện.

Câu ca dao ngày xưa vẫn còn văng vẳng: “Đang cơn lửa tắt cơm sôi, lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem”. Mà phụ nữ hiện đại là người có văn hóa, thông thạo Đông Tây kim cổ, từ Hán văn cho tới Pháp văn, Anh văn, cô thuộc lòng câu ca dao ấy để tránh, chứ đâu phải để đọc cho vui.
Tóm lại, không tìm được chồng nào xứng đáng, phụ nữ hiện đại quyết không lấy. Ai sợ ế không biết, chứ cô coi ế là một hạnh phúc bất diệt, dâng trào. Ế là niềm vui, là một tâm trạng lâng lâng, thanh thoát!

Lê Thị Liên Hoan
(Theo facebook Lê Hoàng)

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Close Menu