VTH – “Đồ sứ mỏng và đỉnh đồng xanh” là một truyện ngắn của nhà văn Nhiếp Hâm Sâm mình đọc đã khá lâu mà vẫn khó quên vì lối viết giản dị , thủng thẳng mà sâu đằm. Mời bạn cùng đọc truyện với vuthanhhoa.net:
- Nhà văn Nhiếp Hâm Sâm sinh năm 1948, hiện đang sống tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), viết tiểu thuyết, truyện vừa, truyện dài và truyện ngắn, tản văn, thơ, sách nghiên cứu về văn hoá… Sáng tác của ông thường xuyên xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc và được nhiều độc giả yêu thích.
Đồ sứ mỏng và đỉnh đồng xanh
Truyện ngắn
Mã Đan làm ra vẻ vô tình ngẩng đầu nhìn đồng hồ treo tường. Sắp 11 giờ rồi nhưng anh bạn học hồi phổ thông Hạ Hầu Tôn dường như quên bẵng thời gian, chẳng hề có ý muốn cáo từ. Đương nhiên chị không thể giục khách. Lần đầu tiên người ta đến thăm nhà và chúc mừng cuộc trăm năm của chị sẽ tổ chức vào tuần sau. Anh còn đem tặng chị một đỉnh đồng xanh, tuy là đồ do viện bảo tàng nơi anh công tác phục chế nhưng rất tinh xảo, giá đến ngàn tệ. Động tác nhìn đồng hồ treo tường của chị cuối cùng đã khiến khách để ý. Anh cúi nhìn đồng hồ đeo tay rồi vội nói: “Xin lỗi, tôi phải về thôi!”.
Mã Đan thở phào. Chỉ hơn nửa giờ nữa Tư Mã Uy sẽ từ bệnh viện về nhà. Anh không thích nhà có khách, anh ngại chân khách mang đến nhà đủ loại vi trùng. Từ khi yêu nhau cho đến khi đăng ký kết hôn và ngủ chung giường với Mã Đan, anh không bao giờ hôn chị. Anh cảm thấy hôn hít là hành vi mất vệ sinh nhất.
Đúng lúc đó, dưới sân khu nhà vẳng lên tiếng loa điện: “Toàn thể cư dân nhà số 8 chú ý: tầng 2 vừa đưa một bệnh nhân sốt cao vào bệnh viện, qua kiểm tra xác định là mắc bệnh SARS. Vì thế nhà số 8 trở thành khu cách ly. Từ lúc này trở đi, tất cả cư dân đều phải ở trong nhà, cần mua thứ gì sẽ cho người đến từng nhà đăng ký và phân phát. Bạn bè và người nhà ở bên ngoài cũng không được vào. Thời gian cách ly là hai tuần”.
Mã Đan cuống quít nhảy lên: “Làm thế nào bây giờ?”. Hạ Hầu Tôn cũng cuống không kém: “Tôi không thể ở lại đây. Tôi phải về nhà để viết cho xong bài nghiên cứu”. Mã Đan kéo anh lại: “Đồ mọt sách! Còn nghĩ tới viết bài nghiên cứu nghiên kiếc gì nữa? Lúc này mà đi về, bạn cũng sẽ bị họ chặn lại”. Hạ Hầu Tôn đành ngồi lại, buồn bã nói: “Tôi không nên nói chuyện lâu mới phải. Một nam một nữ bị nhốt trong căn hộ này những hai tuần, anh Tư Mã Uy mà biết thì sẽ ra sao?”. Mã Đan chỉ còn biết cười buồn. Bỗng điện thoại di động của chị reo lên gấp gáp: “A lô, Mã Đan đây! Anh đấy à? Thế nào? Anh đang ở dưới nhà? Anh muốn em đứng bên cửa sổ phía ngoài để anh nhìn thấy à? Anh có thể nhìn thấy không đã chứ? Thôi đừng rách việc nữa. Có tình hình này em phải nói với anh. Một bạn học cũ của em mang đồ mừng cưới đang ở nhà ta, đúng, là nam giới. Tất nhiên anh ấy muốn về nhưng không về được”.
Hạ Hầu Tôn nhìn Mã Đan đăm đăm, rất khâm phục tính thẳng thắn của chị. Anh giỏng tai lên nghe hai người nói qua điện thoại: “Anh yên tâm đi. Anh ta là đồ mọt sách. Anh vẫn chưa yên tâm sao? Thế thì em không tắt điện thoại di động, lúc nào anh cũng có thể kiểm tra à? Được, lúc nào có người bên y tế đến, em sẽ bảo anh ấy lánh mặt để hàng xóm khỏi biết, kẻo họ lại bàn tán. Được rồi, em nhớ rồi, chào anh!”.
Bỗng chuông cửa đổ hồi. Mã Đan nói khẽ: “Tôn, bạn lánh mặt đi”. Hạ Hầu Tôn xách túi, vào căn phòng nhỏ bên cạnh, đóng cửa lại. Có hai người mặc quần áo trắng, khẩu trang che kín mặt. Họ đưa khẩu trang, nhiệt kế, thuốc tiêu độc, bình xịt, một làn mì sợi, rau sạch và mấy gói đồ ăn sáng, căn dặn Mã Đan những điều cần thiết rồi đi sang căn hộ khác.
Khi Mã Đan và Hạ Hầu Tôn tắm rửa xong, ai về phòng người nấy thì đã là một giờ sáng.
Mã Đan cảm thấy tất cả như một giấc mộng. Buồng sát vách với chị đang có người bạn học cũ đến ở cùng chị trong hai tuần. Anh bạn không những tính tình phóng khoáng mà còn rất có cá tính. Chị thả mình nằm dài trên giường, trên mình chỉ mặc quần xịp và áo lót. Khi Tư Mã Uy làm ca tối, tan ca về tắm rửa xong cũng vào tầm này. Hai người quả thật đang thời tinh lực sung mãn nên chuyện ân ái hầu như đêm nào cũng có. Chị lim dim mắt như chờ đợi thì điện thoại di động đặt bên gối reo lên. Vẫn là điện của Tư Mã Uy gọi đến. “Em đây. Em chưa ngủ và đang nhớ đến anh. Anh bạn em ngủ ở đâu ấy à? Đương nhiên ngủ trong phòng của anh chứ còn ở đâu nữa. Mất vệ sinh à? Lẽ nào lại bảo anh ấy sang ngủ chung với em? Thật là… Thôi được, anh ngủ đi, em mệt rồi”.
Đêm ấy Mã Đan ngủ chẳng được yên. Tư Mã Uy hầu như cứ cách một giờ lại gọi điện một lần. Mặc dù mi mắt nặng trĩu, vừa oán vừa bực nhưng chị thấy ấm áp trong lòng. Nghĩ đến tật quá ưa sạch sẽ của Tư Mã Uy, có lúc chị cảm thấy khó mà chịu nổi, nhưng có lúc đó lại là ưu điểm. Chẳng hạn anh tuyệt đối không để chị giặt quần áo của mình; nếu anh có nhà, anh tự lau chùi nhà cửa, cơm nước cũng tự nấu lấy. Huống hồ chị đã quá lứa mà gặp được một người vừa đến tuổi ba mươi như anh, lại có nghề thu nhập không xoàng thì cũng gọi được là đẹp duyên phải số.
Ngày đầu tiên dài dằng dặc. Mã Đan cảm thấy hiu quạnh, vắng vẻ khó chịu đựng nổi. Lúc ấy chị mới biết thời gian đối với chị mới dư dả làm sao. Chị chẳng có ý thích nào đặc biệt. Từ ngày nhận công việc dạy trẻ, ngoài giờ lên lớp là đi chơi với các bạn gái, như xem phim, hát karaôkê hoặc đánh mấy ván mạt chược, còn nghĩ thì chỉ nghĩ kiếm sao được một người chồng có điều kiện tương đối tốt, sau này sống những ngày ấm êm hạnh phúc. Về mặt này, Tư Mã Uy rất hợp với chị, nếu không thế làm sao vừa gặp đã yêu nhau? Còn Hạ Hầu Tôn thì hẳn cảm thấy không bao giờ đủ thời gian. Chị quan sát thấy Hạ Hầu Tôn ngoài ba bữa cơm, anh ta có thể giam mình cả ngày trong buồng, đọc đọc, viết viết. Từ đó mà suy, cuộc sống hàng ngày của anh ta đại khái cũng là như thế. Sống khổ như vậy, Mã Đan thật sự không sao chịu nổi.
Ăn cơm tối xong, Hạ Hầu Tôn vụng về rửa tất cả bát đĩa bẩn và lỡ tay đánh vỡ một bát sứ rất mỏng. Nghe tiếng bát vỡ, Mã Đan chạy tới cửa nhà bếp hỏi: “Bạn làm sao thế?”. “Cái bát mỏng đáng chết này nhẹ quá, tuột tay một cái là rơi luôn xuống nền nhà. Nếu là cái đỉnh đồng xanh thì tuột tay thế nào được?”. Mã Đan bĩu môi: “Thế mà còn lý do lý trấu!”.
Rửa xong bát, Hạ Hầu Tôn lại trở về phòng riêng. Mã Đan chán ngán ngồi trong phòng khách xem tivi. Tới mười giờ khuya, không chịu được nữa, chị lớn tiếng gọi: “Hạ Hầu Tôn, bạn ra đây nói chuỵện với tôi có được không? Bạn tặng tôi cái đỉnh, thì cứ nói về đỉnh vậy, không thể cứ để tôi ngồi suông mãi. Dù ở nhà trọ, bạn cũng nên trò chuyện dăm ba câu với người phục vụ chứ!”. “Xin lỗi Mã Đan, tôi hầu chuyện bạn vậy. Bạn nói như thế khiến tôi thấy mình không phải quá!” – Hạ Hầu Tôn ngồi xuống sôpha, nhấp một ngụm trà, sau đó châm một điếu thuốc, rít lấy rít để rồi chỉ cái đỉnh bày trên giá, nói: “Trong các đồ vật bằng đồng xanh, tôi thích nhất đỉnh. Đỉnh trang trọng, vững vàng. Đỉnh thường có ba chân vì thế chúng ta hay nói “vững như đỉnh ba chân”. Nhưng cũng có loại đỉnh hình vuông có bốn chân, đó là loại đỉnh Tư Mẫu Tuất. Đỉnh lúc đầu dùng để nấu thức ăn, là đồ dùng quý để điều hoà ngũ vị, rồi trở thành đồ cúng trong tông miếu. Đời xưa, hễ lập nước là người ta đúc đỉnh, gọi đúc đỉnh là đúc vật tượng trưng cho bản đồ tổ quốc, cho nên khi vương triều định ra triều đình thì gọi là “định đỉnh”…
Mã Đan không ngờ kể về những chuyện cổ xưa ấy mà Hạ Hầu Tôn nói hứng khởi đến thế! Hai mắt anh sáng lên, giọng nói tràn đầy tự tin, rất có sức lôi cuốn. Kiến thức của người ta rộng thật đấy, bất giác Mã Đan sinh lòng kính nể.
Thời gian nói chuyện buổi tối ngày một dài thêm. Hạ Hầu Tôn mỗi tối giải thích một cổ vật, nói xong đỉnh thì nói đến cốc, chén, ngọc, lò gốm Tuyên Đức, nói đến bốn loại đồ sứ nổi tiếng, nói đến ống tiền bằng sành mà trẻ con bỏ ống. Bây giờ Mã Đan không chỉ kính nể Hạ Hầu Tôn mà còn không ngừng so sánh anh với Tư Mã Uy. So sánh rồi mới thấy hối, nếu chị sống với Hạ Hầu Tôn thì nhất định sẽ thú vị hơn.
Đêm thứ bảy, Mã Đan tỏ ra đã rất ngán những cú điện của Tư Mã Uy, chị chỉ đáp qua loa rồi cúp máy và cuối cùng thì ngắt máy, nói với Hạ Hầu Tôn: “Xin lỗi bạn, anh ta thật đúng là tên mật thám, suốt ngày rình rập, hỏi tôi còn sống nổi không chứ?”.
Bốn ngày nữa lại thong thả trôi qua, điện thoại của Mã Đan cũng ngắt máy cả bốn ngày. Hơn 9 giờ tối ngày mười một, chuông cửa reo vang. Đang kể cho Mã Đan nghe chuyện đào mộ cổ, Hạ Hầu Tôn phải đứng lên lánh sang phòng nhỏ. Anh đã quen với kiểu lánh mặt này.
Mã Đan mở cửa. Hai người bước vào, đều mặc quần áo phòng hộ dầy dặn kín mít như trên truyền hình gần đây. Tay đeo găng, miệng đeo khẩu trang. Người hơi cao cầm tờ giấy ghi thân nhiệt xem rất kỹ, còn người thứ hai đi vào nhà bếp, toalét và phòng ngủ rất thành thạo, sau đó lại chỉ tay vào căn phòng nhỏ trong đó có Hạ Hầu Tôn nhưng không nói gì cả, như diễn viên kịch câm. Người cao hơn hỏi: “Sao cửa phòng lại đóng thế kia?”. Mã Đan cười nhạt. Chị đã biết người thấp hơn đứng cạnh cửa là ai rồi. Chị quá quen với dáng đi đứng ấy. Cuối cùng anh ta đã tìm được cách vào khu cách ly nhưng giấm giúi, chẳng đàng hoàng tí nào. Mã Đan lập tức tới giá bày đồ cổ giả, vớ lấy một bình hoa nhỏ bằng đồ sứ mỏng ném vào chân anh ta làm vô số mảnh vụn bắn tung lên, sau đó chị nói: “Mời các anh đi đi!”. Hai người lưỡng lự một lát rồi vội vàng rút lui. Mã Đan đóng sập cửa lại.
Hạ Hầu Tôn mở cửa bước ra hỏi: “Tư Mã Uy phải không?”. “Sao bạn biết?”. “Tôi vốn định mở cửa bước ra nhưng khi bạn ném đồ thì tôi biết ngay là Tư Mã Uy. Thế là tôi không thể bước ra được nữa vì e bẽ mặt anh ấy quá. Nhưng tại sao bạn lại đập cái bình sứ mỏng ấy?”. “Vì bạn từng nói đồ sứ mỏng tương tự như cuộc sống của chúng tôi”. “Thực ra cái đỉnh đồng xanh mới nên ném đi. Tôi không nên đem nó đến đây”. “Không phải đâu. Bây giờ làm sao tôi còn có thể sống với anh ta cả đời?”. “Bạn đập như thế thì gia đình của bạn có cơ tan đấy!”. “Tôi chẳng hề hối hận”. Đột nhiên Mã Đan ôm chặt Hạ Hầu Tôn: “Anh lấy em nhé! Em bằng lòng làm vợ anh!”.
Hạ Hầu Tôn đứng không nhúc nhích, như một cái đỉnh. Đêm đã khuya, hương hoa ngọc lan toả trong đêm rất đậm.
Chiếc đỉnh đồng xanh đứng trang trọng trên giá bày, phát ra ánh sáng màu xanh lục. Còn đồ sứ công nghệ mỏng manh được đặt trong nhiều ô thì trắng trong, toát lên tình ý dịu ngọt…
Nhiếp Hâm Sâm
Phạm Tú Châu dịch